(GLO)- UBND tỉnh vừa có Công văn số 2670/UBND-NL về việc tăng cường công tác phòng-chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. |
UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh rà soát số cơ sở nuôi chim cút, số lượng chim cút trên địa bàn để theo dõi, quản lý. Đồng thời, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; vận động người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thường xuyên tiêu độc, khử trùng, giảm mật độ nuôi trong chuồng, khai báo với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y khi phát hiện gia cầm bị bệnh, bị chết bất thường. Ngoài ra, các địa phương còn có trách nhiệm tổ chức, giám sát việc chăn nuôi, vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm đến tận thôn, làng; vận động nhân dân không tham gia vận chuyển gia cầm trái phép; chủ động xây dựng kế hoạch phòng-chống kịp thời khi có dịch xảy ra.
Cũng theo công văn trên, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y đẩy mạnh công tác kiểm dịch đối với gia cầm xuất, nhập trên địa bàn tỉnh; tăng cường chốt chặn, nghiêm cấm nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vào tỉnh; yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường phối hợp với Chi cục Thú y, ngành Công an, chính quyền địa phương và lực lượng có liên quan tổ chức kiểm tra việc mua bán, giết mổ, chế biến, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm; phát hiện tịch thu, tiêu hủy toàn bộ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm bày bán ở các chợ.
Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt chẽ việc nghiêm cấm nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ các nước láng giềng vào tỉnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và qua đường biên giới. Riêng Sở Y tế, UBND yêu cầu phải đảm bảo đủ thuốc, các loại vật tư, hóa chất và trang-thiết bị cần thiết để xử lý khi có dịch xảy ra.
Lê Hà