Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần rà soát lại các điều khoản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai luật. Nội dung cần cụ thể mới có thể trình ra Quốc hội.
Sáng 11-8, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 30; cho ý kiến vào Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần rà soát lại các điều khoản để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa hai luật này, đồng thời phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Thảo luận về dự án Luật đầu tư (sửa đổi), nội dung được các đại biểu tập trung góp ý là quy định về lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII |
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Dự thảo Luật cần quy định rõ những lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Để làm được điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổ chức học tập kinh nghiệm quốc tế, nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên cơ sở đối chiếu với những luật chuyên ngành như: Chứng khoán, ngân hàng, khám-chữa bệnh….
Trong quá trình rà soát, nếu những ngành nghề này không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì phải sửa đổi, thậm chí bãi bỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ý kiến: “Luật này trước hết phải quy định những ngành nghề nào đầu tư kinh doanh bị cấm thì phải quy định trực tiếp vào đây”.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Mặc dù Bộ đã nhiều lần đề nghị các Bộ, ngành nhưng đến nay mới chỉ nhận được danh sách ngành, nghề, lĩnh vực cấm đầu tư và đầu tư có điều kiện của một số bộ, ngành dẫn đến việc Cơ quan soạn thảo chưa có cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp đó, thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Luật đầu tư (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, hai dự án Luật cần hướng đến việc mở rộng dân chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan soạn thảo cần gắn các nội dung của Dự án Luật với việc chống hành vi gian lận thương mại.
Liên quan đến vấn đề trọng tâm của hai dự án Luật là danh mục những ngành nghề kinh doanh bị cấm và kinh doanh có điều kiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung danh mục thì Dự án luật mới đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kì họp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Cái khó nhất để có trình được ra Quốc hội hay không là ở chỗ có cấm ngành gì, có làm rõ điều kiện ở ngành gì? Khi chưa làm rõ được hai vấn đề này thì không đưa được 2 luật này ra”.
Theo dự kiến, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra đến hết ngày 15-8.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 13 dự án Luật, trong đó có 9 dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 tới.
Theo VOV