Câu chuyện đội bóng nào sẽ phải xuống hạng Nhất sau khi V-League 2019 khép lại cũng nóng bỏng không kém cuộc đua chức vô địch. Năm nay, có đến 1,5 suất xuống hạng nên mọi chuyện còn gay go hơn nhiều. Đội bóng nào sẽ nói lời tạm biệt V-League?
Cuộc đua trụ hạng V.League cũng nóng bỏng không kém cuộc đua chức vô địch (ảnh Goal)
Tất nhiên, cái tên đầu tiên được nhắc đến chắc chắn là S.Khánh Hòa đang đứng chót BXH sau lượt đi với 9 điểm. Kế đến là Quảng Nam, đang đứng thứ 13 với 11 điểm.
Có 3 đội đều được 15 điểm được tạm xếp từ vị trí 10 đến 12 lần lượt là HAGL, Nam Định và Hải Phòng đều có khả năng dính “vòng nguy hiểm”, tuy mức độ sẽ khác nhau.
Điểm danh ứng viên
Trước hết, chúng ta sẽ điểm danh các đội áp chót tại các mùa bóng trước. V-League 2016 đứng thứ 13 là Long An với 19 điểm (Đồng Tháp xuống hạng 8 điểm), V-League 2017 áp chót là Cần Thơ 22 điểm (Long An xuống hạng 10 điểm). Năm ngoái, V-L League 2018 đứng thứ 13 là Nam Định với 24 điểm (Cần Thơ 21 điểm).
VPF đang làm hết sức mình để có lượt về V-League 2019 diễn ra tốt đẹp (ảnh VPF)
Không kể mùa giải 2017, Long An tự thua sau sự cố sân Thống Nhất, có sự cách biệt đáng kể với đội đứng kề trên, muốn kê cao gối ngủ, các đội phải cần ít nhất 25 điểm. Nghĩa là muốn thoát vị trí đáy BXH thì Hải Phòng ít nhất cần 10 điểm, Quảng Nam cần 14 điểm, còn S.Khánh Hòa cần 16 điểm.
Năm nay, V.League 2019 có 1,5 suất xuống hạng, nghĩa là ngoài đội thứ 14 bị xuống hạng trực tiếp thì đội thứ 13 sẽ phải đá play-off với đội đứng thứ 2 giải hạng Nhất. Trong phạm vi bài báo này chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến “ứng cử viên đá hạng Nhất” năm sau.
Với khoảng cách 6 điểm, đúng là cả HAGL, Nam Định và Hải Phòng đều khó bị cuốn vào vòng xoáy nhưng với những gì đang xảy ra ở sân Lạch Tray, Hải Phòng cũng bị điểm danh. Với thực lực của mình Nam Định còn 7 trận sân nhà, HAGL 6 trận sân nhà nhưng dàn cầu thủ được cho là chất lượng sẽ sớm kê cao gối ngủ trước vài vòng đấu.
Về trình độ nhà cầm quân thì HLV Võ Đình Tân của S.Khánh Hòa được coi là cao tay ấn nhất về mặt chuyên môn dù ông chỉ nhận mình là “người nông dân” đá bóng. Nhưng nếu vẫn còn tại vị thì HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng được coi là “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” hơn cả.
Nhất là ngồi bên cạnh là đồng nghiệp Ngô Quang Trường cũng là người được cho là thạo việc bếp núc sân cỏ. Bất lợi hơn cả là HLV Vũ Hồng Việt của Quảng Nam, năm đầu cầm quân, "ngang dọc trên đầu" nào biết mấy ai.
Nghịch lý sân nhà- sân khách
Nếu không cải thiện phong độ sân nhà thì S.Khánh Hòa sẽ khó thoát được vị trí thứ 14 BXH (ảnh VPF)
Về yếu tố sân nhà, Hải Phòng bất lợi hơn khi họ chỉ còn 6 trận sân nhà, trong khi đối với S.Khánh Hòa, Quảng Nam, con số đó là 7. Tuy nhiên, sau 13 vòng đấu thì thành tích sân nhà của cả S.Khánh Hòa, Quảng Nam đều rất tệ, họ chỉ có được 1 trận thắng, trong số đó Hải Phòng là 3. Nếu không cải thiện ngay được thành tích sân nhà thì chiếc vé xuống hạng chỉ là việc nội bộ của 2 đội bóng miền Trung.
Lượt đi 6 trận sân nhà Quảng Nam chỉ kiếm được 5 điểm còn S.Khánh Hòa 4 điểm, trong khi đội bóng đất Cảng đã kiếm được 12 điểm sau 7 trận. Nếu 6 trận sân nhà lượt về kiếm được 10 điểm thì coi như cổ động viên đất Cảng tha hồ mà bắn pháo hoa.
Về lực lượng Hải Phòng mất tiền vệ trung tâm Quốc Trung và tiền đạo Đình Bảo, 2 cầu thủ xứ Nghệ rời sân Lạch Tray khi bị đánh giá thi đấu không hiệu quả ở lượt đi. Sau những căng thẳng tuần qua giữa lãnh đạo CLB Hải Phòng và BHL thì số phận của các thành viên BHL đội bóng này vẫn chưa rõ ràng. Thực tình, nếu HLV Trương Việt Hoàng tại vị thì nếu không kiếm được 3 điểm trước khi đến sân Tam Kỳ vòng 16 thì Hải Phòng cũng sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Nhìn từ lịch thi đấu
Có vẻ như lượt về Quảng Nam “dễ thở” hơn khi vòng 14 họ sẽ gặp chủ nhà B.Bình Dương trước khi về sân nhà tiếp lần lượt các đội khách Sài Gòn và Hải Phòng. (ảnh VPF)
Mà làm thế nào có được 3 điểm khi đá với Hà Nội (sân nhà) và SHB.Đà Nẵng (sân khách) thì phụ thuộc khá nhiều vào bộ đôi Fagan và Jermie Lynch. Việc nhận quá nhiều thẻ đỏ, thẻ vàng lãng xẹt đã khiến Hải Phòng gặp khá nhiều khó khăn ở lượt đi, nếu không cải thiện ngay thì họ sẽ gặp thiệt thòi.
Lịch thi đấu của S.Khánh Hòa cũng không dễ khi họ sẽ tiếp đội khách Thanh Hóa có phong độ đang lên vòng 14 trước khi gặp “vua sân nhà” Hà Nội vòng 15. Nếu như việc có 3 điểm trên sân Hàng Đẫy lúc này là nhiệm vụ bất khả thi thì việc chiến thắng Thanh Hóa trên sân 19/8 Nha Trang phải được xem như là điều bắt buộc của S.Khánh Hòa.
Kịch bản đẹp nhất là họ giành được 3 điểm trước Thanh Hóa, còn Hải Phòng trắng tay trước Hà Nội trên sân Lạch Tray. Khi đó thì họ có 51% cơ hội thoát khỏi xuống hạng. Ngược lại, nếu thua Thanh Hóa trên sân nhà thì có lẽ V-League 2019 gần như đã kết thúc với Trùm Tỉnh và các đồng đội.
“Khúc cua tử thần” của thầy trò HLV Võ Đình Tân nằm ở vòng 22 và 23, khi đi làm khách ở sân Tam Kỳ và Lạch Tray, 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nếu có được 3 điểm thì dường như họ sẽ thoát khỏi nhóm đèn đỏ một cách ngoạn mục.
Có vẻ như lượt về Quảng Nam “dễ thở” hơn khi vòng 14 họ sẽ gặp chủ nhà B.Bình Dương trước khi về sân nhà tiếp lần lượt các đội khách Sài Gòn và Hải Phòng. Nếu có được 4 điểm trước khi gặp Hải Phòng thì với đà tâm lý tốt, thầy trò HLV Vũ Hồng Việt có thể lấy trọn 3 điểm trước đội bóng đất Cảng, đẩy Hải Phòng và S.Khánh Hòa vào cuộc chiến trụ hạng.
Vĩ thanh
Nếu lượt về Hải Phòng (áo đỏ) không kiếm được 3 điểm trước khi đến sân Tam Kỳ thì đội bóng đất Cảng sẽ cực kỳ nguy hiểm. (ảnh VPF)
Khen cho “con tạo khéo xoay vần" khi đội được ưu thế sân nhà, lại thi đấu tốt hơn khi đá sân khách. Đội đang có điểm số tốt hơn thì lại gặp bất lợi trong phòng thay đồ cùng những bất an trên băng ghế huấn luyện. Đội ngoại binh tốt thì lại chơi trò “bóp team”, liên tục bị thẻ phạt bởi những lỗi được coi là ngớ ngẩn. Đội bóng bất lợi thầy trẻ thì lại được trò ngoan, như một sự bù trừ khiến cuộc đua “tam mã” không ai có ưu thế tuyệt đối.
Xem ra S.Khánh Hòa, Hải Phòng và Quảng Nam sẽ là những ứng viên bất đắc dĩ cho chiếc vé hạng Nhất mùa sau. Nếu không có những đột biến, đó cũng sẽ là thứ tự ngược, tính từ dưới lên, mà người viết bài nhận định khi mùa giải V-League khép lại! Trong đó S.Khánh Hòa gần như không có quyền tự quyết, việc của họ là đá hết sức và trông chờ vào điều kỳ diệu của số phận.
An Thanh (VietTimes)