Kinh tế

Vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, hành khách có nhu cầu gửi hàng từ Gia Lai đi các tỉnh thành khác thường đóng thùng rồi chở đến nhà xe và lấy biên nhận gửi hàng, trong khi đó nhà xe lại rất ít khi kiểm tra hàng hóa bên trong. Chính sự dễ dãi trong những giao dịch như thế này cùng sự lỏng lẻo trong quản lý hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng xe khách đã khiến cho hàng lậu, hàng cấm có đất “dụng võ”.

Bến xe Đức Long Gia Lai có khoảng 160 đến 170 lượt xe xuất bến, hàng hóa theo đó lan tỏa đi các tỉnh. Ảnh: Minh Huy

Theo Trung tá Hồ Thanh Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an TP. Pleiku, từ ngày 15-12-2014 đến 15-1-2016, thông qua việc tuần tra kiểm soát, Đội CSGT đã phát hiện lập biên bản 199 trường hợp xe khách đón trả khách không đúng quy định, xử phạt 128 trường hợp với số tiền gần 73 triệu đồng. Trong đó, phát hiện trường hợp xe khách chở hơn 2.000 con gà không rõ nguồn gốc xuất xứ, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý; phát hiện 1 xe ô tô chở 390 bao thuốc Jet nhập lậu.

Xung quanh vấn đề kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa gửi theo xe khách, ông Chu Sỹ Hoạt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai-cho biết: Việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa gửi của hành khách chỉ được thực hiện khi có sự phối hợp của lực lượng Công an hoặc có những thông tin phản ánh hàng hóa có dấu hiệu sai phạm. Bến xe luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý Thị trường kiểm tra, kiểm soát. “Đối với hàng hóa của hành khách thì cũng chỉ nhìn bên ngoài, đóng vào thùng rồi thì cũng “chịu chết”, không kiểm soát được”-ông Hoạt nói.

Mỗi ngày tại Bến xe Đức Long có khoảng 160 đến 170 lượt xe xuất bến, đặc biệt là trong dịp Tết lượng hàng hóa từ TP. Pleiku đi các tỉnh và các huyện trong tỉnh tăng đột biến. Theo quan sát của P.V, tại bến xe này, ngoài hành lý của hành khách mang theo lên xe, những túi xách to hay những thùng hàng lớn hơn được các phụ xe chuyển thẳng vào thùng xe không cần biết trong những túi đó là mặt hàng gì, có chứa hàng lậu, hàng cấm hay không. Hoạt động vận chuyển hàng hóa không những được các nhà xe tạo thuận lợi tối đa, mà được các lực lượng chức năng thả lỏng khi không hề thấy có bất kỳ sự kiểm tra, kiểm soát nào.

Còn tại nhà làm việc của các hãng xe, hàng hóa của hành khách được đóng vào thùng các tông, thùng xốp hoặc bỏ vào bao tải kín mít, dán băng keo kỹ lưỡng. Trên những thùng hàng này chỉ ghi thông tin đơn giản, cần thiết như tên, số điện thoại của khách hàng. Khi đến quầy làm thủ tục giao gửi hàng thì các nhân viên ở đây cũng chỉ hỏi bấy nhiêu thông tin mà không hề kiểm tra, kiểm soát. Khách hàng nói mặt hàng gì thì nhân viên ghi vào biên nhận là hàng đó.

Ông Đặng Văn Hiền-Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho biết: Khách hàng gửi hàng hóa thì nhà xe nhận thôi, chứ không kiểm soát được. Khách gửi hàng gì thì người ta tự kê khai hàng đó. “Thường thì hàng hóa của khách hàng gửi được những người lái xe ôm chở tới, mình muốn kiểm tra thì phải có mặt chủ hàng. Người ta nói hàng gì thì mình chỉ biết hàng đó”-ông Hiền chia sẻ.

Ông Hiền cũng cho biết, nhiều lần lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hàng hóa không có hóa đơn chứng từ nên tạm giữ, khách hàng gọi đến chửi bới nhà xe, yêu cầu giải quyết. Còn nhà xe thì chỉ có trách nhiệm xử lý giữ lại biên bản giao cho khách hàng tự giải quyết.

 

Hàng hóa thường được chuyển trực tiếp tại các nhà xe. Ảnh: Minh Huy

Ông Lê Hồng Hà-Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Gia Lai-cho biết, tình trạng vận chuyển thuốc lá, gỗ, động vật rừng, đồ chơi trẻ em có tính kích động bạo lực hiện vẫn còn nhưng chỉ với số lượng nhỏ. Trước đây, lực lượng Quản lý Thị trường phối hợp với Công an thường xuyên kiểm tra hình thức vận chuyển hàng hóa theo xe khách trong khoảng thời gian dài nên các đối tượng đã “chùn bước”.
 

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe khách không cần thủ tục rườm rà, hay gặp sự kiểm tra, kiểm soát nào. Chính vì vậy, có nhiều trường hợp hành khách nói gửi mặt hàng này nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra mới phát hiện đó lại là một mặt hàng khác. Theo ông Lê Hồng Hà-Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường, cách đây 2 tháng, trên chiếc xe khách từ TP. Pleiku đi Quy Nhơn (Bình Định), hành khách gửi thùng xốp trên có ghi là cá lăng nhưng khi lực lượng liên ngành mở thùng hàng thì phát hiện… những con rắn bò lổm ngổm. Đến nước này nhà xe cũng ngã ngửa, hành khách thì không đi theo xe nên cũng không xử lý được.

“Tuy nhiên, hiện nay tại TP. Pleiku hàng hóa được chuyển trực tiếp tại các nhà xe này chứ không qua bến, hành khách chỉ xuống bến xe mà đi, còn hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh về thì cũng được đưa về đây. Ngoài ra, hàng hóa cũng được lên, xuống dọc đường, trong khi nhà xe thì chỉ quan tâm đến giá cước nên rất khó kiểm soát”-ông Hà nói.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của hành khách tăng cao, trong khi  đơn vị quản lý bến xe, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động vận tải chưa vào cuộc quyết liệt khiến cho hàng lậu hàng cấm có cơ hội “lọt lưới” tuồng vào tỉnh hoặc từ tỉnh này đi tỉnh khác tiêu thụ. Chính vì vậy, trong những tháng gần đây, các tỉnh Đak Lak, Kon Tum, Bình Dương, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh liên tục phát hiện nhiều xe khách chở hàng tấn thịt bẩn, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Thiết nghĩ, trong giai đoạn cao điểm phục vụ vận chuyển hành khách dịp Tết Bính Thân 2016, các lực lượng chức năng cần có biện pháp siết chặt quản lý đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe khách nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm xâm nhập vào tỉnh.

Minh Huy

Có thể bạn quan tâm