Bạn đọc

Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, môi trường mạng xã hội đã trở thành không gian giao tiếp hàng ngày, hàng giờ, thường xuyên, liên tục. Đây cũng là lúc chúng ta cần có ý thức hơn trong việc xây dựng văn hóa ứng xử, giao lưu trên không gian ảo. 
Tôi từng khá thân thiết với một cô bạn. Sau đó, gia đình bạn trục trặc, vợ chồng chia tay. Cô bạn lên trang Facebook cá nhân viết một status ẩn dụ về sự chia ly. Bạn bè thân thiết đều có thể cảm nhận và hiểu được việc cô ấy đang nói đến. Tôi cũng liền nhắn tin, gọi điện để chia sẻ, an ủi. Nhưng kể từ ấy, gần như ngày nào, bạn tôi cũng đem sự độc thân của mình lên Facebook “rêu rao”. Những câu thơ giãi bày nỗi lòng, sự cô đơn đến dòng trạng thái bông đùa tìm kiếm người yêu, “chờ hoài sao không thấy”… kèm tấm ảnh chân dung xuất hiện với tần suất ngày một dày trên newfeed khiến tôi bắt đầu thấy “dị ứng”. Gia đình tan vỡ là điều không ai mong muốn. Một phụ nữ vừa ly hôn vốn dĩ nên cần một khoảng lặng để bình tâm sau những biến cố thay vì ồn ào trên mạng xã hội. Có thể, ban đầu, bạn tôi sẽ nhận được sự an ủi, đồng cảm của bạn bè nhưng khi nói quá nhiều về điều đó sẽ trở nên phiền phức. Bây giờ, tôi ít khi nhấn like hay bình luận và thường lướt nhanh qua những dòng trạng thái tương tự của bạn. 
Mạng xã hội vẫn thường được xem là nơi thể hiện cảm xúc vui, buồn trong cuộc sống. Đôi lúc, việc thể hiện cảm xúc trở nên quá đà khi viết status bóng gió chửi xéo một ai đó. Phần lớn những status ấy ban đầu đều gây cười, thu hút khá nhiều lượt quan tâm song lại lan truyền cảm xúc tiêu cực. Người lạc quan sẽ lướt qua và nghĩ “chắc status ấy chừa mình ra”. Nhưng với những người nhạy cảm, hẳn sẽ dừng lại để suy nghĩ xem mình có phải “nhân vật chính” trong dòng trạng thái kia hay không. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều tài khoản mạng xã hội thường xuyên đăng tải các dòng status bàn luận về vấn đề chính trị, xã hội với những góc nhìn phiến diện, trái chiều. Việc này vô tình tạo nên những luồng thông tin xấu, độc lan truyền rộng rãi trên môi trường mạng. 
Mạng xã hội được tạo thành từ hàng triệu tài khoản cá nhân, song đó lại là “ngôi nhà chung” của tất cả mọi người. Đồng ý rằng, tài khoản trang cá nhân thì muốn đăng gì, hoạt động ra sao là quyền của mỗi người, miễn việc làm ấy không phạm pháp. Song, việc chọn chia sẻ công khai lên mạng xã hội được ngầm hiểu là đồng tình để tất cả bạn bè đều nhìn thấy, biết đến. Vì thế, mỗi người dùng cần lưu ý rằng, mạng xã hội không phải là cuốn nhật ký để có thể thoải mái thể hiện mọi hỷ, nộ, ái, ố của bản thân. Đó là sân chơi cộng đồng, là nơi để chúng ta giao lưu, kết bạn, thắt chặt thêm tình cảm bạn bè cũng như nắm bắt thông tin hữu ích. Việc cung cấp thông tin, thể hiện quan điểm về các vấn đề thời sự trên mạng xã hội cũng cần phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ lưỡng, tránh a dua, hùa theo đám đông.
Ngày 17-6-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng. Dù bộ quy tắc chỉ mang tính khuyến cáo, khuyến nghị song thiết nghĩ, người dùng mạng xã hội cũng cần tìm hiểu, nắm rõ những việc nên và không nên, góp phần hình thành văn hóa ứng xử trên mạng xã hội văn minh, lịch sự, có ích cho cộng đồng.
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm