Kinh tế

Vẫn vướng từ cơ chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm và thủy sản là khâu quan trọng góp phần nâng cao giá trị hàng nông-lâm-thủy sản cạnh tranh với thị trường tiêu thụ hiện nay.

Xác định tầm quan trọng này, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở hoạt động trên lĩnh vực này. Cụ thể hóa giải pháp trên, Thanh tra của Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành thanh tra 5 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

 

Ngành chức năng kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật.
Ngành chức năng kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật.

Lực lượng Thanh tra Sở và Chi cục Quản lý Chất lượng nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) tham gia với các sở, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo 127 tiến hành nhiều đợt kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã phát hiện không ít cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Đặc biệt Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật xử lý kịp thời 1 lô hàng nhập vào tỉnh chưa có giấy kiểm dịch, xử phạt 75 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản đã kiểm tra 108 cơ sở; trong đó có 38 cơ sở ngừng hoạt động; 57 cơ sở xếp loại A; 11 cơ sở xếp loại B và 2 cơ sở xếp loại C. Các địa phương kiểm tra 249 cơ sở; trong đó có 6 cơ sở ngừng hoạt động, 118 cơ sở xếp loại A; 110 cơ sở xếp loại B và 15 cơ sở xếp loại C. Theo ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông-Lâm sản và Thủy sản thì nguyên nhân các cơ sở ngừng hoạt động được phân loại thành 2 dạng là chấm dứt hẳn hoạt động và tạm ngưng hoạt động.

Nguyên nhân là do các cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Các cơ sở xếp loại C do cơ quan cấp tỉnh kiểm tra đã khắc phục những hạn chế nên khi tái kiểm tra các cơ sở này đều đạt loại A. Cũng từ thực tế kiểm tra cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh chấp hành khá tốt các quy định pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản.

Cùng với thanh tra, kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã khởi động việc xây dựng quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Lấy 78 mẫu thịt và sản phẩm từ thịt, 50 mẫu rau các loại thực hiện việc kiểm tra ô nhiễm sinh học, hóa học trong thực phẩm.

Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được thực thi đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai nảy sinh vướng mắc từ cơ chế, chính sách  rất cần cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã cơ bản phân định trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành theo nhóm mặt hàng; song thực tế có cơ sở kinh doanh nhiều mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành.

Vì vậy, nếu các ngành cùng kiểm tra, quản lý sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở và rất khó quy trách nhiệm quản lý cho từng cơ quan nếu xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm. Các biểu mẫu đánh giá sản xuất, kinh doanh phân bón ban hành theo Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông-lâm-thủy sản và Thông tư 01/2013/TT-BNNPTNT sửa đổi một số điều của Thông tư 14 và thay thế một số biểu mẫu đánh giá ban hành trước đó chưa phù hợp với thực tế nên rất khó triển khai tại cơ sở.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh tham mưu UBND tỉnh các chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo nội dung Quyết định 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ song đến nay vẫn chưa thực hiện được vì các bộ, ngành trung ương chưa hướng dẫn cụ thể…

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm