(GLO)- Bắt đầu tính mốc thời gian sau năm 1975 đến nay, 40 năm chẵn một chặng đường văn học nghệ thuật Gia Lai sau thống nhất đất nước, có thể nhìn thấy sự phát triển nhanh và mạnh của đội ngũ những người sáng tác nữ ở vùng đất này. Từ thế hệ đàn chị nhà văn Nguyễn Thị Thu Loan, Ngô Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Hương Thanh, Đào Phong Lan, Nguyễn Thị Hường Lý đến thế hệ đàn em tiếp nối như: Nguyễn Công Tùng Chinh, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh Vân, sau đó là những cây viết trẻ xuất hiện 5 năm trở lại đây như: Lê Vi Thủy, Lê Kim Sơn, Đào An Duyên, Tạ Ngọc Điệp, Trương Thị Chung...
Tính đến thời điểm này, một số tác giả nói trên đã vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp còn đa số các chị em vẫn ở lại mảnh đất này, người lâu đã hơn 30 năm, ít thì cũng chục năm. Họ đến Gia Lai từ những vùng quê khác nhau hoặc sinh ra ở đây, theo cha mẹ di cư về đây, lớn lên trưởng thành từ đất này nên trong họ luôn sâu nặng nghĩa tình với Gia Lai-nơi cắt rốn chôn rau, nơi quê hương thứ hai yêu dấu và điều đó thể hiện đủ đầy trong từng trang viết dù ở thể loại nào (thơ, truyện ngắn, ký, tùy bút, tản văn, tiểu thuyết).
Tính đến thời điểm hiện tại, Gia Lai có một lực lượng nhà văn nữ khá mạnh, tác phẩm đã xuất bản nhiều, phát hành phổ biến, đạt giải thưởng nhiều mức trong tỉnh và trong nước, phong cách sáng tác của họ được độc giả trong nước ghi nhận đó là nhà văn Nguyễn Thị Thu Loan, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp. Trong đó nhà văn thế hệ 6X có Nguyễn Thị Thu Loan (SN 1964), chuyên viết tiểu thuyết và truyện ngắn, chị đã có hàng chục đầu sách các thể loại và hơn nửa số đó là văn xuôi với Cuốn trong dòng lũ, Giữa cõi âm dương, Pơ thi (tiểu thuyết), Một ngày của ký ức, Sương chưa tan làng trăng... (tập truyện ngắn), nhà văn Trương Lệ Hằng (SN 1969) có tập truyện ngắn bản thảo sắp in Quả trái mùa; các nhà văn thế hệ cuối 7X đầu 8X ai cũng đã xuất bản 1-2 đầu sách văn xuôi như các tập truyện ngắn: Những đứa con của buôn Nú, Phía trước là bầu trời của Hoàng Thanh Hương (SN 1979), Thì thầm với anh của Ngô Thanh Vân (SN 1982), Bảng lảng sương đêm (1984).
Được biết tác giả trẻ Tạ Ngọc Điệp giữa năm 2016 sẽ in tập truyện ngắn đầu tay của cô với sự hỗ trợ kinh phí xuất bản của một nhà sách phía Nam. Sách của các nhà văn nữ 5 năm nay luôn được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, dành kinh phí chọn mua làm quà tặng trong các dịp lễ trọng của tỉnh, các nhà xuất bản như: Phương Nam Book, Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc, Nhà Xuất bản Quân đội mua bản quyền in và phát hành, đó cũng là một sự khẳng định “thương hiệu cá nhân” và chất lượng tác phẩm của họ. Bên cạnh đó, sau khi xuất bản, họ khá năng động trong việc quảng bá, phát hành nên luôn nhận được sự hỗ trợ kinh phí ưu ái cho các hoạt động ra mắt sách của mình từ một số đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn như: Binh đoàn 15, Công ty TNHH Dịch vụ-Du lịch Hoàng Vũ, Gia Lai CTC, Cà phê Sê San Piano. Họ chính là những “bà đỡ” cho những đứa con tinh thần của sáng tạo văn học tỉnh nhà, khuyến khích các nhà văn nữ tích cực sáng tạo nên các tác phẩm tốt phục vụ công chúng.
Điểm nổi bật, với độ tuổi từ 30 đến 52 họ đang ở thời điểm sung sức sáng tạo của đời viết với những trải nghiệm đã tự thân tích lũy được; họ là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương như Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam; họ đều có trình độ cử nhân, thạc sĩ các chuyên ngành khoa học xã hội như văn chương, ngữ văn, công tác xã hội, sư phạm văn nên được trang bị kiến thức văn chương có hệ thống, có phương pháp luận, có tầm hiểu biết sâu rộng về văn chương trong và nước ngoài, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu giao lưu với nhiều tác giả khắp các vùng miền trong nước và đồng nghiệp quốc tế, được sự đỡ đầu hỗ trợ, tạo điều kiện sinh hoạt chuyên môn của Hội Văn học Nghệ thuật địa phương và các hội chuyên ngành trung ương; họ lập nghiệp, định cư lâu dài gắn bó với Gia Lai nên ý thức và trách nhiệm công dân với quê hương rõ ràng sâu đậm.
Mỗi nhà văn đã định danh lại rất tâm huyết trong việc phát triển lực lượng viết kế cận nên họ tự giác tìm kiếm, dắt dìu những hạt nhân có năng khiếu, hướng họ vào nghề văn, từ đó đã bổ sung được một lớp người viết trẻ vừa có trình độ học vấn vừa mạnh dạn, say mê sáng tạo, đó là: Đào An Duyên, Trương Thị Chung, Nguyễn Quỳnh Như, Mai Hương, Thuận Ánh, Cao Viễn Phương. Số lượng hội viên nữ được kết nạp vào chuyên ngành văn học hàng năm đều có, dù việc xét kết nạp hiện nay khá khắt khe, hướng vào chất lượng và tinh chọn để mỗi hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khi đã vào Hội phải là người sáng tạo chuyên nghiệp, có đóng góp tích cực cho nền văn học nghệ thuật trên từng lĩnh vực tuyên truyền và đảm bảo lưu giữ được những giá trị văn hóa địa phương, đất nước.
Văn xuôi nữ Gia Lai, từ góc nhìn lực lượng, cho đến thời điểm này, mỗi người mỗi vẻ song họ ngày càng chứng tỏ năng lực sáng tạo, có nhiều nét mới trong trong cách thể hiện, đa dạng về phong cách, chững chạc, duyên dáng trong lối sống, tự tin, đoàn kết, say mê, nghiêm túc sáng tạo dưới ngôi nhà chung Hội Văn học Nghệ thuật, tạo được thương hiệu văn xuôi nữ Gia Lai với đồng nghiệp, độc giả khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Đó là niềm vui không riêng của từng nhà văn.
Đức Mạnh-Thanh Hương