(GLO)- Thỉnh thoảng, tôi làm một vài cuộc đi không định trước. Nó khác xa với những chuyến đi có mục đích, luôn phải chú tâm vào công việc một cách thực dụng. Với những cuộc đi ngẫu hứng, cảm xúc hoàn toàn được tự do.
Màu xanh trùng trùng bao phủ suốt dọc cung đường Đông Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Ngọc |
1. Chỉ một đoạn ngắn qua đường Đông Trường Sơn, đoạn từ quốc lộ 19 đi vào xã Tơ Tung (huyện Kbang), mọi giác quan đã như được nuông chiều. Màu xanh ngời cứ trải ra trùng trùng trước mắt, hết lớp này đến lớp khác, từ thung lũng đến núi cao, qua những gò đồi, ôm lấy những buôn làng. Màu xanh lạ lùng của núi rừng dọc Đông Trường Sơn khiến người ta vương vấn những câu hỏi rồi cũng tự trả lời. Đó vừa là màu xanh hoang dã tự nhiên, vừa là màu xanh bắp xanh dâu gợi những liên tưởng đến sức lao động kỳ diệu của con người. Thỉnh thoảng, dưới chân những dãy núi cao bắt gặp những ngôi làng nằm ẩn nhẫn, hiền lành. Từ khoảng nhìn xa, mây trắng ngang lưng đồi, bay là đà như sắp đậu xuống những nóc nhà. Khách trên đường không thể không giơ máy lên để ghi lại khoảnh khắc của mây núi trùng phùng như ôm lấy, như che chở những nếp nhà bên dưới.
Nếu đi để ngắm cảnh thôi thì hơn cả đạt mục đích vì sự kỳ vĩ, thơ mộng nối tiếp hiện bày trước tầm mắt, khiến khách không thôi những lời cảm thán, trầm trồ. Đôi lần phải dừng chân hướng sự chú ý về phía khu nhà mồ của một ngôi làng nào đó trên hành trình. Những nhà mồ nằm dưới các cây bạch đàn mọc không hàng lối, tạo thành một cụm xanh mát biệt lập giữa những ruộng mía trải dài mênh mông. Đó là một thực thể sống động, báo hiệu phía xa kia sẽ có một ngôi làng. Nhưng không vội để dừng chân ở ngôi làng đầu tiên trên hành trình còn dài phía trước. Bởi đường Đông Trường Sơn tựa như một trục không gian văn hóa, sẽ còn nhiều bất ngờ phía trước. Thỉnh thoảng bắt gặp những bóng kơ nia chơ vơ bên đường như bắt gặp bóng mát văn hóa-lịch sử của một vùng trầm tích, càng khiến người ta háo hức.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
2. Giữa trưa, nắng như thiêu đốt cả ý nghĩ. Vậy nhưng vừa tới đầu ngôi làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng), giác quan như được xoa dịu khi nhìn ngắm những ngôi nhà sàn nhỏ xinh dưới bóng mát của cây xanh. Chúng tôi tạm dừng chân ở ngôi làng nhỏ này. Tìm một nếp nhà sàn rộng rãi, nằm khuất dưới bóng mát của vô số cây ăn quả, xin nghỉ chân. Bên cạnh tô mì tôm, chủ nhà nhiệt thành mới thêm một nồi cơm gạo rẫy. Đó là bữa ăn ngon lạ lùng giữa chốn núi rừng. Miếng cơm không nhưng càng nhai càng ngọt càng bùi. Thỉnh thoảng chấm thêm vào đầu lưỡi chút muối hạt giã nhuyễn với lá é và ớt rừng cay xé đầu lưỡi, vậy mà ngon như thể được ăn bữa cuối cùng.
Cô gái Đinh Ben-chủ nhà, loay hoay với nồi măng sôi ùng ục trên bếp. Cô nói đây là thức ăn với cơm duy nhất của gia đình. Măng tươi, hái từ rẫy từ rừng trong lúc đi làm, xắt mỏng qua hai lần luộc kỹ, đem xào qua với chút dầu ăn và ớt hiểm. Bữa ăn đạm bạc có vậy nhưng con người ở đây trông ai cũng rắn rỏi, khỏe mạnh. Có lẽ lao động, môi trường sống trong lành đã tôi rèn cho họ sức vóc. Cứ nhìn hàng chục bao lúa căng mẩy, xếp gọn gàng trong gian bếp nhỏ cũng cho thấy sự lao động cần cù của cặp vợ chồng trẻ.
Bình yên của làng. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Buổi trưa ở làng thật vắng lặng. Mọi người dường như trốn nắng trong nhà. Dưới gốc một cây sung già có tuổi đời dễ cả trăm tuổi, một gia đình bốn người thảnh thơi nằm nghỉ trước hiên nhà sàn. Tiếng hai đứa trẻ bi bô, thỉnh thoảng lại cười ré lên. Tiếng con trẻ nhanh chóng tan vào sự yên tĩnh của trưa vắng. Có cảm giác mọi thứ trôi đi thật chậm trong nhịp sống bất tận ngàn đời của những con người chốn núi rừng. Tôi ít khi ở làng vào ban trưa, thường là vào chiều. Tôi đặc biệt thích cảm nhận cuộc sống dưới mỗi nóc nhà sàn lúc chiều về. Nó khác hẳn vẻ im ắng buổi ban trưa. Nó có tiếng xôn xao của trẻ già nơi giọt nước, có tiếng trò chuyện rôm rả trên đường làng, có tiếng ầm ĩ của trẻ dưới mỗi nóc nhà… Đó là thanh âm của sự đoàn tụ. Nó hoặc sẽ làm con người cảm thấy ấm áp trong cảm giác được trở về.
Giấc ngủ trưa của tôi chập chờn bên một bà mẹ Bahnar đã già lắm. Cháu ngoại của bà lấy một chiếc chiếu mới trải xuống sàn nhà, nhiệt tình mời khách nghỉ trưa. “Nằm ở hướng này buổi chiều gió mát lắm. Cứ nghỉ thoải mái nhé, giờ mình phải đi phun thuốc cỏ”-anh nói rồi đeo chiếc bình nhựa lên vai tạm biệt khách. Trưa nắng lắm, vậy mà bà mẹ ngồi ngay bếp lửa, im lìm như một pho tượng, đôi chân trần to bè vắt lên nhau, mái tóc trắng như cước xõa ngang vai. Mẹ ngồi thỉnh thoảng khẽ nghiêng người qua thổi bùng ngọn lửa khi nó chưa kịp tàn.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
3. Đôi khi người ta quẳng gánh lo lại sau lưng cho những cuộc hành trình cũng chỉ để nuông chiều cảm xúc bản thân. Nhưng du ngoạn buôn làng, nhất là những ngôi làng dọc đường Trường Sơn huyền thoại chưa được doanh nghiệp lữ hành nào khai thác. Một người bạn của tôi làm du lịch lâu năm cho hay, rất hiếm khách Việt có nhu cầu mua tour nhưng lại đi theo kiểu “phượt” như vậy. Công ty anh đã dẫn một số đoàn khách đi khám phá buôn làng, trải nghiệm cuộc sống dưới những nếp nhà sàn, nhưng chủ yếu là khách Tây. Và cũng chỉ khi họ có nhu cầu mới tổ chức chứ chưa có tour cố định. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-ông Phan Xuân Vũ cho biết: “Đường Trường Sơn đã được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, ngành văn hóa, du lịch cũng đã đưa cung đường này vào quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp lữ hành khai thác tour. Nhưng hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.
Khám phá đường Trường Sơn, buôn làng, các điểm di tích dọc cung đường huyền thoại này nếu được khai thác có thể sẽ là tour hấp dẫn những người thích trải nghiệm. Nhưng đoạn trường ấy còn xa bởi khó khăn từ nhiều phía. Trước khi đợi có tour với cách tổ chức du lịch chuyên nghiệp thì mỗi người cũng có thể tự thiết kế tour nghiệp dư cho hành trình khám phá của mình. Tuy phải đổ mồ hôi trên từng bước chân, nhưng phần thưởng sẽ là những bất ngờ không bao giờ đoán trước. Riêng tình người thôi cũng đủ làm cuộc hành trình có thứ để vương vấn khi trở về…
Hoàng Ngọc