Về vùng rốn hạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình này, sáng 21-3, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai cùng đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp về kiểm tra tình hình hạn hán tại 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê-nơi có nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán để tìm phương án khắc phục.

Sau gần 30 phút đi trên con đường ngoằn ngoèo, dày đặc ổ voi, ổ gà, cánh đồng Plei Thơh Ga của xã Chư Don (huyện Chư Pưh) hiện ra trước mắt chúng tôi. Nhìn từ xa cánh đồng Plei Thơh Ga có màu vàng óng trải dài ngút ngàn. Ấy thế nhưng khi tới gần, mọi người mới vỡ lẽ đó là màu của sự thất bát khi những cây lúa đang thì con gái đã cháy vàng vì nắng hạn. Trên cánh đồng, đàn bò được thả tự do, vô tư gặm lúa. Ông Nguyễn Minh Hà-Chủ tịch UBND xã Chư Don cho biết, cánh đồng này rộng gần 250 ha, nhưng vì thiếu nước sản xuất nên chỉ gieo trồng được 70 ha lúa. Nhưng đến thời điểm này, có 60 ha mất trắng, 10 ha còn lại bị giảm năng suất khoảng 30%. UBND xã đã xuất ngân sách trên 11 triệu đồng hỗ trợ xăng, dầu cho người dân bơm nước để cứu lúa.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bên phải) kiểm tra tình hình hoạt động của đập thủy lợi Plei Thơh Ga. Ảnh: Duy Hùng

Rời cánh đồng, đoàn công tác tiếp tục đến đập thủy lợi Plei Thơh Ga. Trước mắt chúng tôi, những giọt nước mới được đưa từ đầu nguồn về chỉ đủ làm cho con đập không còn khô khốc nhưng không đủ để cứu lúa, cà phê và tiêu. Trèo lên đỉnh đập, đoàn công tác quan sát ruộng đồng, kiểm tra kỹ con đập để tìm phương án giải quyết vấn đề nước sản xuất. Theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, để đợi được Trung ương đầu tư xây công trình thủy lợi Plei Thơh Ga phải mất ít nhất 3 năm nên trước mắt, địa phương phải tự cứu mình. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu huyện xem xét, đề xuất tỉnh xuất ngân sách hỗ trợ nâng cấp đập Plei Thơh Ga để đưa nước từ đầu nguồn về dự trữ và cung cấp nước tưới, cứu cánh đồng Plei Thơh Ga không bị bỏ hoang vào mùa khô các năm sau, cũng như phục vụ tưới cho các diện tích khác.

Từ đập Plei Thơh Ga, đoàn di chuyển đến làng Hlốp (xã Chư Don)-nơi có 71 hộ dân của làng đang thiếu nước sinh hoạt. Dưới cái nắng như thiêu, làng Hlốp hiện ra nghèo nàn, cây cối khô héo, nhà cửa bị bụi bao trùm. Đi đến cuối làng, một chiếc giếng khoan vừa mới được hoàn thành. Trong làng, một vài bể lắng nước đã được đưa vào sử dụng; một vài bể chưa nghiệm thu đã bị bong tróc. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Hà cho biết, công trình được huyện đầu tư 1,3 tỷ đồng xây dựng phục vụ nước sinh hoạt vào mùa khô cho người dân làng Hlốp, được thi công từ tháng 12-2015.

Đến nay, một số hạng mục của công trình vẫn chưa được nghiệm thu. Ngay lập tức, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Chư Pưh kiểm tra chất lượng công trình và đưa vào sử dụng kịp thời để người dân có nước sinh hoạt. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách sử dụng nước tiết kiệm, quản lý công trình để tránh bị xuống cấp dẫn đến hư hỏng. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo thêm: Nếu người dân ở các địa bàn khác của huyện cũng có nhu cầu khoan giếng, huyện cần hỗ trợ cho dân. Trong trường hợp không đủ ngân sách cần báo sớm để tỉnh hỗ trợ đào giếng hoặc cấp nước cho người dân sử dụng, quyết không để dân bị khát.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Duy Hùng

Không chỉ xã Chư Don, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và cây trồng bị hạn còn xảy ra trên diện rộng ở huyện Chư Pưh. Làm việc với đoàn, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tư Sơn cho biết, hạn hán đã gây thiệt hại cho huyện ước tính trên 20 tỷ đồng, bao gồm 430,7 ha lúa Đông Xuân, 800 ha hồ tiêu, 1.000 ha cà phê đang khó khăn về nước tưới. Bên cạnh đó, có 842 hộ khó khăn về nước sinh hoạt. Huyện đã xuất ngân sách trên 1,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả và cứu đói cho dân. Trong đó, xuất 600 triệu đồng để phục vụ chống hạn và hỗ trợ 47,475 tấn gạo cho 577 hộ bị thiếu đói. Trước thông tin này, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bằng mọi cách phải cứu được cà phê và tiêu. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện, xã tiếp tục xuất ngân sách cứu cây trồng, nếu thiếu tỉnh sẽ hỗ trợ. Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét điều tiết nước đầu nguồn về cho vùng hạ du tưới cà phê và hồ tiêu. Cũng trong buổi làm việc này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trương Phước Anh đã hứa sẽ hỗ trợ giống cho người dân sản xuất. Ông Anh khẳng định: “Diện tích cây trồng thiệt hại bao nhiêu, tỉnh sẽ hỗ trợ giống bấy nhiêu”.

13 giờ cùng ngày, đoàn công tác về thăm 2 xã Hbông và Ayun (huyện Chư Sê). Nắng hạn cũng khiến cho nơi đây héo hon, khô khốc. Nhiều giếng nước trơ đáy, những vườn tiêu cũng héo úa vì khô hạn, còn người dân đối diện với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho dân, huyện Chư Sê đã xuất ngân sách 300 triệu đồng để cấp nước uống trong 1 tháng cho người dân ở 16 thôn, làng của 2 xã. Nhận định việc làm này mới chỉ giải quyết được vấn đề thiếu nước sinh hoạt trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh đôn đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh cho doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị trấn Chư Sê và 2 xã Hbông, Ayun. Theo Bí thư Tỉnh ủy, giải pháp này không chỉ giúp người dân chủ động được nước sinh hoạt mà còn tránh tình trạng phải mua nước cấp cho dân mỗi khi mùa khô đến.

Thường trực Huyện ủy Chư Sê báo cáo: Toàn huyện có đến 22,45 ha cà phê bị mất trắng, 929 ha bị giảm năng suất 30-70%; 70 ha hồ tiêu bị mất trắng, 538,54 ha hồ tiêu giảm năng suất 30-70%. Ngoài ra, gần 600 ha lúa của huyện đã bị mất trắng, gần 500 ha lúa giảm năng suất 30-50%. Ước tính tổng thiệt hại 140 tỷ đồng. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện Chư Sê cần tính toán kỹ, nếu việc lấy nước từ hồ thủy điện Plei Keo là khả thi, cần báo cho tỉnh để khảo sát nhằm đưa nước về cho nhân dân sản xuất, quyết không để đất sản xuất của người dân bị bỏ hoang. Ngoài ra, huyện cần tiếp tục xuất ngân sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hạn hán. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định sẽ giao cho lực lượng vũ trang tỉnh, Quân đoàn 3, Tỉnh đoàn giúp nhân dân cứu sống 21 ha hồ tiêu và cà phê…

Có thể nói, chưa khi nào hạn hán lại tác động lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, 2 huyện Chư Pưh, Chư Sê nói riêng như năm nay. Cùng đoàn đi khảo sát, được tận thấy những khó khăn của nhân dân, những cán bộ sở, ngành, địa phương càng cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc giúp dân khắc phục hậu quả hạn hán.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm