(GLO)- Năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai là 56,83 điểm, xếp hạng 47/63 tỉnh thành cả nước. So với năm 2014, thứ hạng của Gia Lai tăng thêm 1 bậc (48 lên 47), từ cuối nhóm tỉnh có PCI trung bình lên đầu nhóm cùng loại. Ở khu vực Tây Nguyên, Gia Lai vẫn xếp sau Lâm Đồng và Đak Lak. Theo đồ thị thứ hạng từ năm 2007 đến nay thì đường xu hướng cải thiện PCI của Gia Lai nằm ngang. Điều này có nghĩa là năng lực cạnh tranh của Gia Lai chưa được cải thiện.
Nỗ lực cải thiện PCI đã được các cấp lãnh đạo tỉnh Gia Lai quan tâm nhiều năm nay-đặc biệt trong hai năm 2014, 2015-từ khi có Nghị quyết 01 của Chính phủ về cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2015 đánh dấu sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh với việc tổ chức hội nghị thảo luận; ban hành kế hoạch rà soát các điểm nghẽn; xác định mục tiêu, xây dựng chương trình hành động, lựa chọn giải pháp, phân công trách nhiệm thực hiện cho từng cơ quan; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo, đánh giá... Nhưng vì sao các nỗ lực chưa nhận được kết quả như kỳ vọng? Các lý do chính, cần xem xét, sẽ là: (i) Bản thân số đo không phản ánh đúng bức tranh thực tế? (ii) Độ trễ của các nỗ lực quá lâu? (iii) Các giải pháp, các hành động đã thực hiện bị lệch pha? (iv) Nỗ lực của lãnh đạo tỉnh chưa đủ mạnh, chưa liên tục? (v) Cách lựa chọn các giải pháp, hành động chưa phù hợp?
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: K.N.B |
Thứ nhất, nội hàm các chỉ số thành phần cấu tạo nên PCI có thể còn khiếm khuyết. Bộ chỉ số dùng chung và phiếu điều tra triển khai đồng bộ ở 63 tỉnh thành đã loại trừ các thiên lệch này. Hiện nay, PCI được tin cậy tham chiếu nhiều nhất so với các chỉ số như PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị hành chính), PAR Index (chỉ số cải cách hành chính)... Bởi vì, đối tượng điều tra để cho ra kết quả và đối tượng trực tiếp chịu tác động từ nỗ lực cải thiện PCI là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cho nên, những phản ánh của doanh nghiệp sẽ không bị chi phối bởi các áp lực phi kinh tế.
Ở khía cạnh khác, nếu PCI chưa đáng tin cậy, thì bức tranh kinh tế-xã hội của tỉnh ở những chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường kinh doanh (mức độ gia tăng số lượng và quy mô doanh nghiệp tư nhân hàng năm nhất là triển vọng hiện hữu của doanh nghiệp FDI, đầu tư mở rộng sản xuất của khu vực dân doanh, tăng thu ngân sách từ nguồn VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, tốc độ phát triển các khu đô thị mới và khu công nghiệp, đặc biệt là việc gia tăng công ăn việc làm trên địa bàn...) cũng nói lên kết quả của việc cải thiện.
Thứ hai, các cơ chế, chính sách đã thực thi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư bên ngoài vào tỉnh chưa phát huy tác dụng? Nhưng điều này cũng khó thuyết phục khi so sánh với các địa phương cùng khu vực hoặc có điều kiện tương đồng. Các tỉnh bây giờ đã không còn mặn mà cuộc đua xuống đáy và các bất lợi về địa lý đã không còn là rào cản. Trong lúc đó, việc cải thiện hạ tầng giao thông, thông tin giữa Gia Lai với các vùng miền và trung tâm kinh tế lớn đã tốt lên rất nhiều.
Thứ ba, các giải pháp, chương trình hành động thực hiện chưa chỉ đúng vào thách thức hoặc chưa phát huy cơ hội, lợi thế so sánh của địa phương? Trả lời câu hỏi này, thiết nghĩ cần những cuộc thảo luận cụ thể và cởi mở hơn, bởi vì, chỉ xét riêng biến động của các chỉ số đã chỉ dấu rằng chưa có đủ sự nhất quán, đồng bộ trong các chính sách đã thực thi. Ví dụ, cải cách mạnh thủ tục hành chính, công khai nhưng chưa minh bạch; công dân, doanh nghiệp tốn chi phí thời gian nhiều hơn để được giải quyết hồ sơ; thậm chí hồ sơ đã xử lý xong ở cấp dưới nhưng đến cấp giải quyết cuối cùng thì ách tắc, trả lại. Ủy ban nhân dân các cấp khi chỉ đạo, điều hành thì yêu cầu tăng cường phân công, phối hợp, kiểm soát, nhắc nhở, nhưng tính năng động, thích ứng của bộ máy chính quyền với yêu cầu mới vẫn chưa đáp ứng yêu cầu...
Thứ tư, quyết tâm chính trị, tính năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp có thể còn chưa đủ mạnh cho các yêu cầu cải cách. Áp lực của việc tự khẳng định mình thường lớn hơn áp lực chính trị của trách nhiệm giải trình.
Thứ năm, có chăng những quyết sách chưa cân nhắc kỹ về mặt kinh tế-kỹ thuật hoặc quyết sách chưa bảo đảm đủ điều kiện thực thi, chưa giải quyết hài hòa lợi ích, chi phí trong dài hạn của các nhóm đối tượng chịu tác động.
Trên đây chỉ nhằm gợi mở một số vấn đề cần bàn thêm vào các cân nhắc, suy tính của cơ quan hữu quan.
Thanh Vân