Vì sao hàng loạt công nhân bỏ việc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa bao giờ đời sống công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê lại có thu nhập cao như bây giờ, lương bình quân hàng tháng từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người, tiền thưởng cuối năm trung bình từ 20 triệu đồng/người trở lên. Nhưng gần đây không hiểu sao lại có hàng loạt công nhân… bỏ việc.
Chỉ tính riêng trong tháng 4 đã có 96 công nhân… bỏ việc. Ông Nguyễn Tăng Vinh-Trưởng phòng Lao động-Tiền lương Công ty-cho biết: “Số lao động bỏ việc đều vi phạm quy định khoán vườn cây của Công ty, dù họ đã gắn bó với Công ty trên chục năm nay”.
Công nhân nghỉ việc đang được cán bộ Công ty hướng dẫn giải quyết các chế độ, quyền lợi liên quan. Ảnh: Đinh Yến
Chuẩn bị vào mùa cạo mủ năm 2011, Tổng Giám đốc Công ty chỉ đạo các nông trường, xí nghiệp phải trực tiếp tìm hiểu, tâm tư nguyện vọng của người lao động để tạo động lực thúc đẩy phong trào sản xuất từ mỗi công nhân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu lại “rộ” lên vấn đề là nhiều công nhân nhận khoán vườn cây của Công ty không thường xuyên đi làm tại vườn mà để cho người khác thay thế, thuê mướn lao động ngoài vào làm trong vườn cây nhận khoán. Theo ông Vinh, những công nhân nhận khoán vườn cây khi thuê người khác vào làm, họ chỉ trả tiền công còn các chế độ khác như: Bồi dưỡng độc hại, bảo hộ lao động thì người nhận khoán hưởng lợi. Vô hình trung, vườn cây của Công ty lại để cho chính những công nhân nhận khoán của mình kinh doanh “bất hợp pháp”. Hơn nữa, nếu để hiện tượng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất vườn cây. Còn những người làm thuê trên vườn cây của công nhân nhận khoán-họ tưởng là may mắn vì có được việc làm nhưng đâu biết rằng, họ đã bị lợi dụng.
Chính vì “hiện tượng” đó, đầu tháng 3 vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty có văn bản chỉ đạo những trường hợp không đi làm tại vườn cây phải cam kết, đi làm thường xuyên mới tiếp tục giao khoán, còn không thì động viên nghỉ theo chế độ, giải quyết triệt để không để hiện tượng này kéo dài. Trường hợp công nhân lao động gần đến tuổi nghỉ hưu mà vì sức khỏe không đi làm được, khi có vợ, chồng, con đi làm thay phải có đơn trình bày và những người cạo thay phải có chứng chỉ nghề, tuân thủ các quy định của tổ, nông trường, Công ty đề ra. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu người nhà vi phạm nội quy lao động và các quy định về kỹ thuật, bảo vệ vườn cây. Nghiêm cấm hiện tượng mua, bán vườn cây, thuê người khác đi cạo. Công ty cũng có quy chế là những công nhân đã nghỉ việc về địa phương, nếu có nhu cầu xin tái tuyển lại thì cũng không được Công ty chấp nhận.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết công nhân nghỉ việc, nhiều nhà đều có vườn cà phê, tiêu, cao su tiểu điền, kinh tế khá ổn định, trong thời gian làm công nhân cao su họ đều có tích lũy. Theo tính toán của những công nhân bỏ việc, giá cà phê, tiêu, cao su tăng cao như hiện nay so với đi làm công nhân cạo mủ cao su thì thu nhập thấp hơn ở nhà làm vườn. Chị Nguyễn Thị Rôm, thôn 1, xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) có 12 năm làm công nhân gắn bó với vườn cây Công ty, tâm sự: “Nhà tôi có cà phê, tiêu. Một mình chồng làm không hết việc nên tôi phải bỏ làm công nhân về nhà phụ việc cho chồng”.
Hiện tượng bỏ việc của công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê tưởng là bất thường nhưng khi tìm hiểu rõ ngọn nguồn thì đây chỉ là chuyện bình thường. Hầu hết những người nghỉ việc đều là những hộ giàu ở Chư Sê.
Sau khi hàng loạt công nhân bỏ việc, Công ty đã chấm dứt hợp đồng theo quy định, giải quyết đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc liên quan cho họ. Ông Vinh cho biết thêm: Số lao động bỏ việc nhiều song Công ty không thiếu lao động. Chẳng qua đây chỉ là sự tăng giảm về con số mà thôi. Hiện nay, “cầu” lao động ở đây nhiều hơn “cung”. Quý I năm 2011, Công ty đã tuyển thêm 80 lao động vào làm công nhân. Hiện Công ty vẫn còn nhiều hồ sơ dự tuyển vào làm công nhân nhưng vì số lượng vườn cây giao khoán đã ổn định nên phải lựa chọn lao động có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng công việc thì mới tuyển dụng. Bên cạnh đó, Công ty còn tạo điều kiện cho lao động vào làm thuê cho những công nhân nhận khoán vườn cây vi phạm quy chế của Công ty nghỉ việc, được tham gia tuyển dụng thành công nhân chính thức của Công ty, tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định cuộc sống.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm