Thể thao

Thể thao cộng đồng

Vì sao ông Park Hang-seo cần nhiều trợ lý?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với số lượng nhân sự ban huấn luyện đồ sộ nhất từ trước đến nay, HLV Park Hang-seo sẽ cắt cử công việc cho từng người sao cho không bị chồng chéo và hiệu quả phải đạt ở mức cao nhất, đảm bảo sự vận hành thông suốt, khoa học.

Trợ lý Park Choong-kyun (trái) và Lee Young-jin ở buổi tập ngày 12.8. Ảnh: VFF
“Hãy về với đội của anh”
Ngay sau khi cùng đội tuyển Việt Nam giành vé dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022, dù gặp phải khó khăn về mặt khách quan (phải cách ly hai đợt) nhưng ông Park đã liên tục họp giao ban trực tuyến đều đặn mỗi ngày với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các cộng sự để lên ngay kế hoạch chuẩn bị. Trong đó ở phần việc cực kỳ quan trọng là tính toán thành phần ban huấn luyện (BHL) đội tuyển, ông Park muốn tăng cường thêm nhân sự vừa nhiệt huyết vừa giỏi chuyên môn.
Ông đích thân liên lạc với HLV CLB Hà Nội Park Choong-kyun để thuyết phục “hãy về với đội của anh” chỉ bằng một cú điện thoại. BHL tuyển Việt Nam hiện tại có đủ các lứa tuổi từ thế hệ 5X, 6X, 7X, 8X và 9X. Tổ trợ lý người Hàn Quốc hiện tại gồm 4 người, trong đó trợ lý Lee Young-jin, Park Choong-kyun sẽ phụ trách chuyên môn, trực tiếp thị phạm và hướng dẫn kỹ chiến thuật; trợ lý Kim Tae-min chịu trách nhiệm phân tích kỹ thuật của các đối thủ; trợ lý Park Sung-gyun (trẻ nhất, sinh năm 1990) lên giáo án thể lực. Tổ trợ lý người Việt gồm trợ lý Vũ Hồng Việt (đôn từ đội U.22 lên) cũng tham gia hướng dẫn chiến thuật, trợ lý Lưu Danh Minh ngoài đảm đương việc thu thập tư liệu về các đội (gồm những tình huống đáng lưu ý của đội VN) còn được giao quản lý giờ giấc sinh hoạt của cầu thủ, HLV thủ môn Nguyễn Thế Anh, trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa; các bác sĩ Choi Ju-young, Trần Huy Thọ, Trần Anh Tuấn, Tuấn Nguyên Giáp; cán bộ hậu cần Đinh Kim Tuấn. Như vậy kể cả ông Park Hang-seo thì BHL tuyển Việt Nam lên đến 14 người, một con số kỷ lục từ trước đến nay.
Không giẫm chân nhau
Cựu HLV đội U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn bình luận: “Trước đây, vì nhiều lý do, trong đó vì không có kinh phí, muốn tiết kiệm tiền nên BHL các đội tuyển quốc gia thường bị giảm thiểu nhân sự. Cơ cấu truyền thống thường là HLV trưởng, 2 HLV phó, 1 HLV thể lực (nếu có), 1 bác sĩ. Một người thường phải kiêm nhiệm nhiều vai. Ví dụ bác sĩ vừa phải lo chăm sóc y tế, điều trị khi cầu thủ bị đau, bị chấn thương vừa kiêm luôn chuyên gia vật lý trị liệu. Bóng đá Việt Nam ngày càng phát triển, ngày càng có thành tích trên đấu trường quốc tế thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp càng phải được nâng lên mà việc số lượng nhân sự trong BHL được gia tăng là một trong những yếu tố thể hiện rõ tính chuyên nghiệp đó. Đội U.19 Việt Nam trong quãng thời gian chuẩn bị cho giải vô địch châu Á và sau đó là World Cup U.20, đã được tăng cường thành phần BHL, cụ thể là bổ sung 2 HLV thể lực người nước ngoài. Chất lượng cầu thủ được tăng lên trông thấy”.
Ông Tuấn nhận định: “Trên thế giới, việc một đội tuyển trẻ hay tuyển quốc gia có thành phần BHL có thể từ 15 - 20 người là chuyện bình thường. Ở thời điểm hiện tại, BHL tuyển Việt Nam có số lượng hùng hậu nhất từ trước đến nay, chứng tỏ VFF và HLV Park Hang-seo đã cùng đưa ra những quyết định đúng đắn, cần thiết nhằm có sự chuẩn bị kỹ càng cho một giải đấu lớn với những đối thủ cực mạnh của châu Á. Đừng lo các trợ lý của ông Park sẽ giẫm chân lên nhau hay bị chồng chéo công việc. Nhìn bề ngoài thì đúng là ai phụ trách việc của người ấy nhưng trên thực tế đó lại là một vòng tròn khép kín, công việc chuyên sâu của người này bổ trợ cho người kia như các mắt xích không thể tách rời. Chẳng hạn, với trường hợp Tuấn Anh vừa hồi phục chấn thương, bác sĩ đội tuyển sẽ theo dõi tình hình và thông báo với HLV thể lực Park Sung-gyun để có bài tập phù hợp với anh. Từ đó, ông Park sẽ lập kế hoạch sử dụng anh ở thời điểm nào”.
Các trợ lý được hưởng chế độ đãi ngộ như thế nào ?
Người hâm mộ có thể sẽ đặt câu hỏi đội ngũ trợ lý của ông Park sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ như thế nào? Với 2 cộng sự người Hàn mà đội tuyển mượn từ HAGL (Kim Tae-min) và Hà Nội FC (Park Choong-kyun), họ sẽ nhận lương từ CLB theo đúng hợp đồng đã ký với CLB.
Ngoài ra, trong thời gian lên tuyển, ông Kim Tae-min và ông Park Choong-kyun nhận thêm một khoản từ Tổng cục TDTT (theo nội dung Thông tư số 86 của Bộ Tài chính ban hành tháng 10.2020 về quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù dành cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao) và một khoản phụ cấp từ VFF cũng theo quy định của nhà nước. Hai khoản này tổng cộng là 820.000 đồng/ngày/người (trừ 10% thuế, còn 720.000 đồng). VFF lo chi phí di chuyển (nếu có).
Các trợ lý người Hàn còn lại nhận lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng với VFF, với các mức không giống nhau, nhưng có thể người thấp nhất được nhận không dưới 50 triệu đồng/tháng. Còn trợ lý người Việt không ký hợp đồng với VFF mà lên tuyển theo quyết định triệu tập. Họ không có lương trên đội tuyển và hưởng chế độ trong thời gian tập trung, cũng với số tiền 820.000 đồng/ngày (chưa trừ thuế). Xin nói rõ hơn, lương của ông Park không do nhà nước chi trả mà do đối tác của VFF là một doanh nghiệp lớn chi trả, nhưng trong tiền lương của các trợ lý Hàn Quốc như ông Choi, ông Lee, ngân sách T.Ư sẽ trả một phần, phần còn lại thuộc về VFF.
Ngày 11.8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL, VFF, UBND TP.Hà Nội về việc phối hợp tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Các cơ quan này sẽ phải sớm hoàn thiện kế hoạch chi tiết về công tác tổ chức, điều hành trận đấu theo quy định, hướng dẫn và các nguyên tắc chung của Liên đoàn Bóng đá thế giới, châu Á, phù hợp với các quy định, hướng dẫn của Việt Nam về phòng chống dịch Covid-19, báo cáo Bộ VH-TT-DL trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo Nhật Duy (TNO)

Có thể bạn quan tâm