Phóng sự - Ký sự

Viết dưới hạ nguồn sông Côn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều muộn, đứng trên cầu Gò Bồi nhìn nước sông Côn cuồn cuộn chảy, thấy bồi hồi lạ lùng, thấy những dòng lịch sử chảy từng lớp lớp qua cầu. Bao năm tháng đã vùi lấp bến cảng nước mặn lịch sử ở nơi này
Một chiều, chúng tôi ghé Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chơi. Chơi chỉ là cái cớ để ngắm mây trời, nhớ nhớ mông lung...
Chìm lấp theo thời gian
Gò Bồi, một bến cảng, một vạn chài nức tiếng sầm uất cách đây hơn 400 năm. Đây là nơi mà trong bộ trường thiên tiểu thuyết "Sông Côn mùa lũ", nhà văn Nguyễn Mộng Giác mô tả là bến cảng nước mặn đầu mối quan trọng giao lưu với Đàng Trong - Đàng Ngoài, là nơi tiếp nhận những cuộc di cư từ Bắc vào Nam, là nơi (cùng với cửa biển Thị Nại) triều Tây Sơn xuất thủy binh chinh Nam dẹp Bắc lẫy lừng một thời.

Một nhánh sông Côn chảy dưới chân tháp Bánh Ít
Một nhánh sông Côn chảy dưới chân tháp Bánh Ít

Bên tháp Dương Long . Ảnh: TRUNG PHƯƠNG
Bên tháp Dương Long . Ảnh: TRUNG PHƯƠNG
Chiều muộn, đứng trên cầu Gò Bồi nhìn nước sông Côn cuồn cuộn chảy, thấy bồi hồi lạ lùng, thấy những dòng lịch sử chảy từng lớp lớp qua cầu. Nhớ câu ca dao mẹ thường ru con: "Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm sắc mài nên kim", giọng ru như hát Nam buồn buồn chi lạ.
Bao nhiêu nước sông Côn trôi qua cầu Gò Bồi, hàng bao năm tháng đã vùi lấp bến cảng nước mặn lịch sử này. Và có lẽ nó không kinh tế nên người ta cũng chẳng cần phải nạo vét, cứ để chìm lấp theo thời gian. Nhưng hình ảnh những chiếc ghe bầu căng buồm ngang dọc khắp nơi, từ Trung ra Bắc, vào Nam, thậm chí qua cả Nam Vang (Campuchia)... thì không bao giờ phai trong ký ức người dân quê tôi.
Đến Gò Bồi thì phải nhớ thi sĩ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Xuân Diệu thì sinh ra ở đây, từng viết những vần thơ da diết yêu thương về Gò Bồi, Tuy Phước:
"Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh
Thức những ngôi sao, thức những bóng cành
Đêm quê hương thương cái hương của đất".
Xuân Diệu không ngủ được vì đơn giản: "Ngủ không được bởi gió nồm thổi từ biển cứ nhắc/Khi má anh sinh ra/Anh đã thở hơi nước mắm của vạn Gò Bồi…".
Theo Hoài Thanh - Hoài Chân trong "Thi nhân Việt Nam", những thi sĩ sống ở Bình Định thường ám ảnh bởi ánh trăng. Trăng Bình Định đẹp lạ lùng, huyền hoặc lạ lùng, là thi hứng của Chế Lan Viên, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan... Thậm chí sau này, Văn Cao vào Quy Nhơn chơi, phát hiện bãi biển Quy Nhơn như một nửa vầng trăng: "Một nửa hình trăng/Đêm/Nằm nghiêng trên cát biển…".
Hầu hết thi sĩ, nghệ sĩ tài năng nước Việt đã gặp nhau ở đất Quy Nhơn, đều yêu mến vầng trăng huyền hoặc, trầm mặc Bình Định, treo lắt lẻo trên những tháp Chàm cô tịch. Kể cả Trịnh Công Sơn sau này vẫn ám ảnh bởi những tầng tháp cổ, "nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ…" (Diễm xưa).
Ngắm trăng huyền ảo
Hàn Mặc Tử cũng từng sống ở Gò Bồi, vì tại đây hiện vẫn còn mộ mẹ Hàn thi sĩ.
Nghe nói khi ấy, mẹ con Hàn thi sĩ đến Gò Bồi để chữa bệnh phong cho Hàn nhưng cuối cùng thất bại, mẹ thì nằm vĩnh cửu ở Gò Bồi, con nằm ngắm trăng Bình Định huyền ảo ở Ghềnh Ráng... Tình cờ đọc được tài liệu biết Hàn thi sĩ đã quen Xuân Diệu từ đó, khi Hàn Mạc Tử viết cho Xuân Diệu: "Tôi gửi anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm".
Mảnh đất Gò Bồi cũng từng cưu mang thi sĩ tài danh Hàn Mặc Tử. Và những bài thơ hay nhất, đau thương nhất của ông đều viết ở đất này. Đến Gò Bồi, ngó ngược lên tháp Bánh Ít, lên thành Đồ Bàn, nhớ thi sĩ Yến Lan, Chế Lan Viên - những tên tuổi làm nên "Bàn Thành tứ hữu" lẫy lừng.
Yến Lan không chỉ nổi tiếng với "Bến My Lăng", ông còn có nhiều đóng góp quan trọng khác trong tiến trình thi ca Việt Nam hiện đại. Trong hồi ký "Yến Lan - nhớ mãi về anh" (NXB Văn Học - 2001) của bà Nguyễn Thị Lan - người vợ hiền thi sĩ Yến Lan - có trích ý kiến của Chế Lan Viên: "Yến Lan có tài, có tài đặc biệt và rất sớm". Không vì tình bạn mà Chế Lan Viên đánh giá Yến Lan cao đến vậy. Trước năm 1935, khi Thơ mới còn đang chập chững, Yến Lan đã có những sáng tạo độc đáo:
"Sầu tam giác buồm về cô lặng nghỉ
Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi".
Hoặc tả nắng chiều Sầm Sơn:
"Trống xa Mái ngẩn ngơ thơ đá chạm
Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang".
"Sầu tam giác", "nhịp hoãn hòa", "thơ đá chạm", "chiều bồ câu" - những cấu trúc ngôn ngữ, những hình ảnh lung linh đan chen nhau kỳ diệu, tưởng như Yến Lan mới viết hôm qua hoặc hôm nay.
Chế Lan Viên người Quảng Trị nhưng học và lớn lên ở Đồ Bàn, Quy Nhơn. Năm 1937, Chế Lan Viên xuất bản tập thơ "Điêu tàn" chấn động thi đàn. Trong một bài viết, Yến Lan đã từng đề cập đến tập thơ này: "Chiều chiều, tôi và Chế Lan Viên thường bá vai nhau lên lầu cửa Đông Thành Bình Định ngắm cảnh, bàn chuyện thi phú. Hai đứa trăn trở với dân Chàm, tháp Chàm nên bàn nhau viết cái gì đó. Thế rồi Chế Lan Viên xuất bản tập "Điêu tàn". Còn tôi với tập "Giếng loạn" gồm 28 bài thơ viết về các Chiêm nương...".
Hàn Mặc Tử từng đọc tập thơ này và hỏi Yến Lan vì sao không phải là "giếng lạng" (giếng bỏ hoang), mà là "loạn"? Yến Lan khẳng định đó là "giếng loạn" (hiểu theo nghĩa loạn lạc...). Khi đọc xong bản thảo tập thơ này, Hàn Mặc Tử cảm hứng viết bài "Trăng tự tử":
"Lòng giếng lạnh! Lòng giếng lạnh
Sao chẳng một ai hay
Nghe nói mùa thu náu chỗ này...
Loạn rồi, loạn rồi, ôi giếng loạn
Ta hoảng hồn hoảng vía, ta hoảng thiên
Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên".
Bài "Trăng tự tử", Yến Lan dự tính sẽ in trong tập "Giếng loạn" của ông như một lời tựa nhưng rất tiếc tập thơ thất lạc và khuôn mặt thơ của Yến Lan như khiếm khuyết đi. Những năm tháng cuối đời, Yến Lan còn vắt kiệt mình làm cho thể loại tứ tuyệt trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn. Với hơn 400 bài tứ tuyệt, Yến Lan được đánh giá: Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại "bố già" (Trúc Thông).
Ngó ngược lại mình
Còn nữa, thi sĩ Nguyễn Xuân Sanh sinh tại Đà Lạt nhưng từ nhỏ ông theo học ở Trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội. Ở tuổi 15 (trẻ hơn Chế Lan Viên khi xuất bản "Điêu tàn" là lúc 16 tuổi), Xuân Sanh ra mắt trường ca "Lạc loài", với những thi phẩm cách tân kiểu bây giờ người ta thường gọi là "hậu hiện đại", phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống, với những câu lạ lẫm mà "thơm phức": "Gió trắng se mùa thơm dáng liễu/Xa vời nẻo nhạt xanh buồn xanh...".
Giờ đến Gò Bồi để hưởng cái mát lạnh của gió biển Đông, để được nhìn về quá khứ. Chợt ngó ngược lên thượng nguồn nhớ những lâu đài thành quách một thời của người Chăm, của triều đại Tây Sơn anh hùng; ngó xuôi ra biển, nhớ những chiếc ghe bầu ngang dọc một thời; nhớ thương thuyền của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cập biển Nước Mặn, giờ còn đó nhà thờ Xuân Phương, Làng Sông cô tịch…
Và ngó ngược lại mình, tuổi đã "lục thập nhi nhĩ thuận" rồi… Dưới kia, bao nhiêu nước sông Côn vẫn đang chảy qua cầu Gò Bồi… 
Tuy Phước, tháng 2-2021
Bài và ảnh: Lưu Nhi Dũ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm