“Việt Nam cho chúng tôi tri thức, Lào cho chúng tôi cuộc đời”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong dịp sang tỉnh Attapeu dự buổi lễ động thổ xây dựng bệnh viện; ra mắt làng tái định cư Hạt Xăn; khánh thành cầu Sê Sụ, tình cờ tôi gặp gỡ được rất nhiều người Lào nói tiếng Việt. Sau khi tìm hiểu tôi mới nhận ra rằng trong số những cán bộ làm việc tại tỉnh Attapeu (Lào) có rất nhiều người đã từng được đào tạo tại Việt Nam và đó là nền móng để họ phát triển và trưởng thành.
Tiến sĩ Khăm-phăn Phôm-ma-thắt
Có mặt tại buổi lễ kể trên là Tiến sĩ Khăm-phăn Phôm-ma-thắt- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Attapeu. Trong bài diễn văn phát biểu tại buổi lễ, ông luôn dùng nhiều ngôn từ ca ngợi tình hữu nghị son sắt, thủy chung giữa hai nước Việt Nam và Lào nói chung và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tỉnh Attapeu nói riêng.
Qua trao đổi, ông tâm sự: Tôi nhận bằng Tiến sĩ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh). Việt Nam có công đào tạo tôi thành nhà lý luận Mác-xít và chắp cánh cho tôi phấn đấu trở thành một chính khách như hôm nay. Những năm tháng khổ luyện, những chỉ bảo tận tình nhưng nghiêm khắc của thầy cô và những tấm lòng Việt Nam đôn hậu, rộng mở không chỉ đem đến cho tôi kiến thức mà còn góp phần hình thành nhân cách, lối sống của tôi.
Ngày xưa, tỉnh Gia Lai đã sát cánh cùng tỉnh Attapeu trên chiến hào chống giặc ngoại xâm, ngày nay tỉnh Gia Lai lại tiếp tục giúp Attapeu chống đói nghèo và lạc hậu. Là một tỉnh có trình độ dân trí thấp và thuộc địa phương nghèo nhất nước Lào, tôi hy vọng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sẽ sát cánh kề vai cùng cán bộ và nhân dân tỉnh tôi đưa Attapeu vượt qua đói, nghèo để trở thành tỉnh giàu có trong tương lai không xa”.
Cô Phệt Xá Mơn
Và cũng tại buổi lễ này, có một cô gái Lào làm thông dịch viên có giọng nói rất ấm và chuẩn xác đó là cô Phệt Xá Mơn, hiện nay đang làm việc tại Sở Ngoại vụ tỉnh Attapeu. Cô tâm sự: “Trước kia em học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum (Khoa Tiếng Việt). Để có công việc ổn định như ngày nay, em rất cảm ơn nhân dân Việt Nam đã cấp học bổng cho em học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum. Những ký ức tốt đẹp trong những ngày học tập tại Việt Nam không thể phai mờ trong em. Em nguyện làm chiếc cầu nối về văn hóa và hợp tác kinh tế bền chặt giữa tỉnh Attapeu (Lào) và nước Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng”.
Tuy bước sang tuổi 78, song ông Sithad vẫn tự lái xe ô tô dự buổi lễ do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tổ chức. Trên đường đưa chúng tôi về khách sạn, ông cho biết: “Trước kia ông từng học ở Trường Đại học Tài chính Hà Nội. Sau khi ra trường, ông về làm việc tại Bộ Tài chính Lào. Khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm việc cho Sở Tài chính tỉnh Attapeu thêm vài năm nữa. Sau nhiều năm dành dụm và vay vốn ngân hàng, hiện nay gia đình ông đã xây dựng được một nhà nghỉ 16 phòng trị giá khoảng 5 tỷ đồng Việt Nam. Tuy sống ở Lào nhưng lòng ông luôn canh cánh nhớ về thủ đô Hà Nội, hướng về Việt Nam cái nôi đã đào tạo ông để trở thành một cán bộ có ích cho các bộ tộc Lào.
Và người cuối cùng tôi gặp trong buổi lễ này là cô Sa Ly- thông dịch viên cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào. Tất cả mọi việc lo cho đoàn đại biểu của Việt Nam sang dự buổi lễ đều do cô sắp xếp. Cô tâm sự, trước kia cô học ở Khoa Tiếng Việt thuộc Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Nay được Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tuyển dụng, cô sẽ đem sức mình phục vụ cho Tập đoàn.
Tất cả những người tôi gặp tại đất nước Lào anh chị em đã từng là lưu học sinh tại Việt Nam. Tuy họ đang sinh sống và công tác tại tỉnh Attapeu nhưng trong tâm tưởng họ đều có những kỷ niệm đẹp về Việt Nam. Họ đều khẳng định: “Việt Nam cho chúng tôi tri thức, Lào cho chúng tôi cuộc đời”.
Văn Thư

Có thể bạn quan tâm