Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận các trạm thủy văn trên sông Mekong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việt Nam sẽ là quốc gia thành viên đầu tiên tiếp nhận các trạm quan trắc thủy văn của Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mekong từ Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Ngày 23-11, tại Hà Nội, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo quốc gia về lộ trình chuyển giao các chức năng chủ chốt của Ủy hội sông Mekong.

Một đoạn sông Mekong nhìn từ vệ tinh.
Một đoạn sông Mekong nhìn từ vệ tinh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai cho rằng, thời gian qua, hợp tác Mekong đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ to lớn về tài chính và kỹ thuật từ cộng đồng các đối tác phát triển. Tuy nhiên, về lâu dài, để đảm bảo sự tồn tại bền vững của MRC, tính tự chủ của tổ chức với sự tham gia đóng góp từ các quốc gia thành viên cả về tài chính và kỹ thuật là xu thế tất yếu.


Tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của MRC vào tháng 4-2010 tại Hua Hin, Thái Lan, lãnh đạo Chính phủ các quốc gia thành viên đã thỏa thuận một lộ trình đến năm 2030, MRC sẽ hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính.

Đến nay, các cam kết của Hội nghị Cấp cao lần thứ nhất đã được cụ thể hóa bằng lộ trình chuyển giao các chức năng then chốt của Ủy hội cho các quốc gia ven sông.

Tại Hội thảo, Ban Thư ký MRC đã trình bày thông tin tổng quát về chuyển giao các chức năng chủ chốt của MRC. Theo đó, các chức năng chủ chốt bao gồm: Thu thập, trao đổi số liệu và quan trắc; phân tích, mô hình hóa và đánh giá; hỗ trợ quy hoạch; dự báo, cảnh báo và ứng phó khẩn cấp; thực hiện các thủ tục của Ủy hội; khuyến khích đối thoại và điều phối; báo cáo và phổ biến thông tin.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cho rằng, 4 quốc gia ven sông đóng góp tài chính cho MRC, Ban Thư ký một cách có hiệu quả và độc lập là điều cần thiết.

Các nước ven sông cần kiên quyết thực hiện các công việc được chuyển giao, phù hợp năng lực. Tuy nhiên, cách làm cần được bàn bạc chi tiết, được cơ quan có thẩm quyền nhất trí phù hợp với năng lực quốc gia về tài chính và kỹ thuật.

Theo Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Mekong (HYCOS) được Ban Thư ký MRC giới thiệu tại Hội thảo, nhằm đảm bảo phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, lương thực và bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, tháng 1-2012, Việt Nam sẽ là quốc gia thành viên đầu tiên tiếp nhận các trạm quan trắc thủy văn từ Ban Thư ký.

MRC thành lập ngày 5-4-1995 với việc ký kết Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, nhằm tạo thuận lợi cho các nghiên cứu kỹ thuật và quá trình tham vấn cũng như các quá trình cải cách khác.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm