Số tiền trả nợ chiếm khoảng 15% tổng chi Ngân sách quốc gia.
Ngày 3-5, tại Hội thảo “Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định quy mô nợ công Việt Nam ngày càng lớn và tăng nhanh trong những năm gần đây.
Ông Ánh dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng số nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 là 52,6% GDP (trong đó, nợ Chính phủ là 41,9%GDP, nợ Chính phủ bảo lãnh là 9,8%GDP, nợ của chính quyền địa phương là 0,8%GDP) nhưng đến cuối năm 2010 đã tăng vọt lên đến 56,6%GDP.
Tuy nhiên, theo số liệu công bố mới nhất cũng của Bộ Tài chính thì tính đến cuối năm 2011, nợ công đã giảm nhẹ, chiếm 54,6%GDP, trong đó nợ chính phủ là 43,6%GDP còn nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP (tương đương 50 tỷ USD).
Dự kiến đến hết năm 2012 nợ công Việt Nam sẽ tăng trở lại và chiếm khoảng 58,4%GDP, trong đó nợ chính phủ là 46,1%GDP.
Đến năm 2015, tổng số nợ công sẽ khoảng 60 - 65% GDP.
Như vậy, nợ công của Việt Nam đang ở mức quá cao nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 44%GDP, Indonesia là 39,7%GDP và Philippines là 47,3% GDP.
Còn theo tài liệu World Factbook của CIA, nợ công của Việt Nam trong năm 2008 chỉ ở mức hơn 38% GDP, nhưng từ năm 2009 đã lên hơn 52%GDP, đứng hàng thứ 44/129 quốc gia về nợ công.
Theo báo cáo giám sát năm 2010 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nợ Chính phủ đang tăng cao, từ 33,8% GDP năm 2007 lên 36,2% năm 2008 và tăng lên 44,3% GDP vào năm 2010.
Cùng với quy mô nợ công tăng nhanh, chi trả nợ gốc từ Ngân sách Nhà nước bình quân 40.000 - 45.000 tỷ đồng/năm giai đoạn 2006-2010 và tiếp tục gia tăng trong những năm tới do đến hạn trả nợ cũng như biến động tỷ giá hối đoái, chiếm 14-16% GDP hàng năm (theo thông lệ quốc tế, mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng chi ngân sách).
Riêng giai đoạn 2011-2012, Việt Nam đã chi khoảng 100.000 tỷ đồng để trả nợ.
Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, Tiến sĩ Ánh nhận định cơ cấu nợ công Việt Nam tương đối an toàn, quy mô nợ tăng nhanh nhưng vẫn đảm bảo khả năng trả nợ.
Theo VOV