Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác. |
Đại sứ Vũ Dũng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác, cho biết Việt Nam ủng hộ việc duy trì tất cả các cơ sở, nguyên tắc và mục tiêu của cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR) mà Chủ tịch Hội đồng nhân quyền đưa ra.
Phát biểu tại phiên họp lần thứ hai Nhóm làm việc liên chính phủ về kiểm điểm Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ngày 17-2, tại Geneva, Đại sứ nêu rõ Việt Nam cũng linh hoạt với các đề nghị về thời gian vòng kiểm điểm định kỳ nhằm giúp các nước có thêm thời gian thực hiện những khuyến nghị đã chấp nhận.
Ông nhấn mạnh vòng kiểm điểm lần này cũng như các vòng sau cần tập trung vào việc thực hiện những khuyến nghị đã chấp nhận và các diễn biến mới về tình hình nhân quyền từ sau vòng kiểm điểm lần trước.
Đại sứ đề nghị các tài liệu của UPR cần có hướng dẫn rõ ràng do hội đồng thông qua. Nhận thức tầm quan trọng của Quỹ tín thác tự nguyện và Quỹ tự nguyện trợ giúp tài chính và kỹ thuật đối với sự tham gia và theo dõi của nhà nước trong quá trình kiểm điểm định kỳ, Đại sứ nhấn mạnh những quy định cụ thể về quản trị và giải ngân các quỹ này cần phải được xây dựng đúng thời điểm để đảm bảo vận hành có hiệu quả, minh bạch và không thiên vị.
Ông Vũ Dũng khẳng định kiểm điểm Hội đồng nhân quyền giúp tăng cường hiểu biết giữa các nước; đồng thời cũng chỉ cho các nước biết những gì phải làm ngay, những gì cần cho tương lai và cả những điều không thể thực hiện được.
Đại sứ bày tỏ tin tưởng rằng hợp tác và đối thoại xây dựng là công cụ độc đáo của Hội đồng nhân quyền, vì vậy mặc dù có những khác biệt, các nước vẫn làm việc được với nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Đại sứ hy vọng tinh thần này sẽ được tiếp tục trong suốt thời gian kỳ họp.
Cũng tại phiên họp, đại diện Việt Nam bày tỏ ủng hộ phát biểu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Phong trào không liên kết tại phiên họp.
Theo TTXVN