Ghi nhận phiên lao dốc thứ 3 liên tiếp, nhà đầu tư chứng khoán trong nước trải qua nhiều cảm xúc từ lo lắng, hoảng sợ, kỳ vọng rồi lại nín thở khi áp lực bán của thị trường ngày càng lớn
Thông tin về những ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng ở Hải Dương và Quảng Ninh càng khiến thị trường lo sợ và bán tháo. Áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán và cuối phiên buổi sáng khiến cổ phiếu trên HoSE, HNX và UpCOM nằm sàn la liệt.
Giới đầu tư lo lắng với đà giảm quá nhanh của thị trường chứng khoán trong nước. Ảnh: Hoàng Triều |
VN-Index lần lượt rớt 30, 40, 50 và đến cuối buổi sáng đã mất tới 70,9 điểm, tương đương 6,46%, tạm dừng ở 1.026,27 điểm, tức giảm sâu hơn những gì mà công ty chứng khoán dự đoán. Đã có hơn 660 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn HoSE chỉ trong buổi sáng, trị giá 14.500 tỉ đồng. Toàn sàn có đến 475 mã cổ phiếu giảm giá, trong đó 219 mã giảm kịch sàn, bao gồm cả những cổ phiếu lớn giữ vai trò dẫn dắt như VCB, CTG, BID, VPB, ACB, HDB, STB, MBB, SSI, VHM, HPG…
Sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giảm sâu nhất phiên khi mất 15,8 điểm (-7,16%), xuống 204,98 điểm. Toàn sàn có 112 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá 1.568 tỉ đồng.
Như vậy, tính từ phiên giảm mạnh đầu tiên hôm 18-1 đến nay, VN-Index đã đánh mất tới gần 180 điểm. Mọi khuyến nghị của các chuyên gia đến thời điểm này gần như không còn đúng với diễn biến quá nhanh của thị trường.
Trong khi nhà đầu tư trong nước và các công ty chứng khoán đua nhau xả hàng thì nhà đầu tư nước ngoài tận dụng cơ hội gom hàng giá rẻ. Họ mua ròng tổng cộng hơn 400 tỉ đồng chỉ trong buổi sáng.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua (theo giờ Việt Nam) cũng chứng khiến cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street lao dốc sau các báo cáo tài chính gây thất vọng của doanh nghiệp và thông báo chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chốt phiên giao dịch 27-1, chỉ số DJIA mất 2,1% xuống 30.303 điểm, ghi nhận phiên tệ nhất kể từ cuối tháng 10-2020. S&P 500 giảm 2,6%, xuống 3.750 điểm, cũng có phiên giảm mạnh nhất 3 tháng. Chỉ số này đã mất sạch đà tăng từ đầu năm. Nasdaq Composite cũng giảm 2,6% xuống 13.270 điểm.
Tác động của thị trường khoán Mỹ đêm qua làm cho các thị trường chứng khoán lớn ở châu Á sáng nay như Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore... cũng giảm điểm mạnh.
Các chỉ số chứng khoán ở châu Á sáng 28-1. Ảnh chụp màn hình |
Gần 1,1 tỉ cổ phiếu OCB chào sàn
Trong phiên này, gần 1,1 tỉ đồng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với giá ngày đầu niêm yết là 22.900 đồng/cổ phiếu. OCB là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HoSE năm 2021, tương ứng vốn hoá Ngân hàng đạt 25.096 tỉ đồng.
Trong phiên buổi sáng, cùng với sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán trong nước, OCB tạm dừng ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu, giảm 4.500 đồng so với giá tham chiếu.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết năm 2020, lợi nhuận trước thuế OCB đạt 4.420 tỉ đồng đồng, tăng 37% so với 2019; tổng tài sản của OCB đạt 152.848 tỉ đồng, tăng 29% so với 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỉ đồng, tăng 27%.
Hiện tại, ngoài đối tác chiến lược, giữ 15% cổ phần là Ngân hàng Aorora (Nhật Bản) cùng nhà đầu tư, đối tác khác, thì OCB còn khoảng 10% room cho nhà đầu tư nước ngoài… Ông Tuấn kỳ vọng chiến lược 5 năm đặt ra OCB duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều điều lệ từ 20%-25%/năm.
S.Nhung
|
Tr.Nguyễn. Ảnh: Hoàng Triều (NLĐO)