Ảnh: Hà Duy |
Cậu được coi là một “hiện tượng” của xã, nhất là khi vài ngày nữa đây, cậu lên máy bay sang Italia du học với học bổng toàn phần Eramus Mundus ALGANT, chương trình đào tạo và nghiên cứu sau đại học chất lượng hàng đầu tại các trường đại học của châu Âu cho những sinh viên xuất sắc ở các nước thứ ba. Cậu là Võ Ngọc Thiệu (thôn Sơn Trang, xã Hnol, huyện Đak Đoa, Gia Lai).
Căn nhà cấp 4 nhỏ, cũ kỹ của ông Hùng mọi hôm vắng tanh bỗng đầy ắp tiếng cười nói, chúc tụng. Hôm nay, ông Hùng tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mừng cho cậu con trai út chuẩn bị sang Italia du học. Bà con trong thôn hầu như có mặt đầy đủ để chung vui, san sẻ niềm tự hào, vinh dự với gia đình. Lần đầu tiên xã Hnol mới có người được đi du học, mà lại là từ học bổng toàn phần của các nước châu Âu. Không khó để nhận ra Võ Ngọc Thiệu, “nhân vật chính” đứng nép một bên cổng đang liên tục nhận những cái bắt tay, những cái vỗ vai chúc mừng của hàng xóm. Mặc không khí náo nhiệt bên ngoài, bà Trương Thị Thu Hường- mẹ của Thiệu, khi được nhắc đến thành tích học tập của con đã lần lượt chỉ hết bằng khen này đến giấy khen kia treo hàng dài trên tường và giới thiệu một cách hồ hởi.
Thành tích học tập đáng nể!
Thiệu đã là “hiện tượng” từ khi còn học phổ thông với những thành tích đáng nể. Học cấp III, ra thị trấn để học, quãng đường chục cây số từ nhà đến trường là một “vấn đề” đối với gia đình khó khăn như Thiệu. Thương sự đi về khó khăn ấy, cuối năm lớp 10, một gia đình ở thị trấn đã đề nghị Thiệu về nhà mình ở, nhân tiện kèm cho con họ học. Nhờ vậy mà cậu trò nhỏ thuận lợi hơn trong việc học và liên tục đạt được những giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi. Mới học lớp 11 nhưng Thiệu đã tham gia thi học sinh giỏi toán lớp 12 cấp tỉnh và đạt giải ba; lớp 12 tham gia cuộc thi giải toán trên máy tính Casio cấp tỉnh và đạt giải nhì. 2 năm cấp III là học sinh giỏi, riêng lớp 12 đạt khá không phải vì không đủ điểm mà vì liệt môn… thể dục. Bạn bè trong lớp vẫn gọi Thiệu vừa đùa vừa thật là “thầy Thiệu”, bởi có khá nhiều bạn học sinh yếu, kém trong lớp đã “vực dậy” được điểm số của mình, nhất là môn Toán khi được Thiệu hướng dẫn tận tình.
Vào đại học, học 4 năm thì Thiệu liên tục đạt 4 huy chương vàng môn Đại số cuộc thi Olympic Toán học sinh sinh viên toàn quốc. Học đại học được 2 năm, Thiệu phải nghỉ mất 1 năm để đi chữa bệnh. Một năm nghỉ học không làm cho lượng kiến thức của Thiệu rơi rớt mà sau khi chữa bệnh, Thiệu quay lại tiếp tục học và trong 2 năm cuối đại học ấy, Thiệu giành thêm 2 huy chương vàng nữa cũng ở môn Đại số trong các kỳ thi Olympic quốc gia. Ở trường, niềm đam mê Toán học cùng những thành tích đạt được khiến hè năm nào cậu cũng được trường cử đi học những lớp bồi dưỡng nâng cao tại Viện Toán học ở Hà Nội, các giáo sư giỏi từ nước ngoài về dạy, trong đó có cả Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Thiệu vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Khoa Toán với tấm bằng loại giỏi và hiện khoa đang làm thủ tục để giữ Thiệu lại làm giảng viên. Cùng lúc, Thiệu đạt được học bổng toàn phần Eramus Mundus ALGANT với 16.000 Euro/năm. Điểm đặc biệt của chương trình Erasmus Mundus là học viên có cơ hội học tập tại ít nhất 2 trường đại học ở những nước châu Âu khác nhau (năm đầu tiên Thiệu sẽ học ở Italia, năm sau đó sẽ học ở Pháp).
Muốn trở thành nhà Toán học
Thiệu sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác: Khỏe mạnh, hoạt bát. Nhưng đến tuổi dậy thì, cơ thể Thiệu cứ gầy dần mà không rõ nguyên nhân. Đến năm 2 đại học, gia đình đưa đi khám thì mới phát hiện em bị bệnh loạn dưỡng cơ, teo cơ ở mặt, vai, cánh tay… Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng ở đâu cũng chỉ trả lời một câu: “Chưa có thuốc đặc trị”, chỉ có thể uống thuốc cầm chừng. Nói về bệnh của mình, Thiệu hóm hỉnh: “Gia đình khó khăn, anh em đi học còn phải phụ giúp gia đình. Nhưng từ khi mình bị bệnh, cuốc cũng cầm không nổi… Nhưng có khi vậy lại… hay, mình có thời gian tập trung vào việc học”.
Bệnh tật và học giỏi, người ta dễ liên tưởng đến một “mọt sách”, thừa kiến thức nhưng thiếu sự quảng giao. Nhưng chắc chắn đó không phải là Thiệu. Ngay từ đầu, Thiệu đã chinh phục được người đối diện bởi sự tự tin chững chạc, khối kiến thức rộng và khả năng ăn nói lưu loát mà không hề có chút câu nệ về hình thức, không mặc cảm về bệnh tật của mình. Thiệu lý giải: “Có lẽ trong những năm học phổ thông cũng như đại học, mình đã tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội, ngoài ra, nhiều năm liền làm lớp trưởng, Bí thư chi đoàn. Chỉ cần cố gắng hết mình thì sẽ đạt kết quả tốt. Hơn ai hết, mình hiểu rõ nhất khả năng mình tới đâu”.
Hiểu rõ khả năng mình tới đâu, nên với Thiệu, đúng là không có việc gì khó. Nếu việc sắp phải đến một nơi thật xa thật lạ, xa lạ cả về ngôn ngữ lẫn phong tục tập quán khiến không ít người lo lắng thì Thiệu lại bình thản. Xuống sân bay ở Italia hay Pháp thì cũng giống như đặt chân xuống… Bến xe miền Đông. Sau đó cũng sẽ đi xe buýt tới trường, vẫn phải lo toan cho cuộc sống sinh viên xa nhà. Hơn nữa, còn có những anh chị đi trước giúp đỡ khi có khó khăn gì trong quá trình học. “Vốn tiếng Anh của mình đủ để đáp ứng cho việc học, còn ngôn ngữ bản địa, mình sẽ cố gắng trau dồi thêm”- Thiệu cho biết.
Thiệu cho biết: “Mình sẽ học xong tiến sĩ rồi mới làm gì thì làm. Mục tiêu của mình là sẽ thành một nhà toán học. Và điều đó đã là tương lai gần rồi!”.
Hà Duy