Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Vụ cưỡng đoạt tài sản ở Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam rất tinh vi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công an tỉnh Thái Bình đánh giá, vụ án cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam có tổ chức, rất phức tạp và phương thức, thủ đoạn hoạt động rất tinh vi.

Sáng 27.9, Công an tỉnh Thái Bình đã tổ chức khen thưởng đột xuất các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án liên quan đến Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Theo Công an tỉnh Thái Bình, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của đại tá Phạm Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, cơ quan này đã xác lập, đấu tranh và phá thành công chuyên án. Qua đó bắt, khám xét đối với 8 người là lãnh đạo, phóng viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, đồng thời thu giữ nhiều tài liệu liên quan để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, biểu dương ban chuyên án. ẢNH: CÔNG AN THÁI BÌNH

Công an tỉnh Thái Bình đánh giá, đây là một vụ án rất phức tạp và phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, có tổ chức. Các đối tượng đều là những người am hiểu pháp luật, hoạt động "trá hình" dưới danh nghĩa cơ quan báo chí làm từ thiện; có nhiều bị hại, nhất là các doanh nghiệp; phạm vi hoạt động rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nên được lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Khởi tố vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam

Để ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Ban chuyên án trong việc điều tra, khám phá vụ án, công an tỉnh đã trao thưởng đột xuất cho các thành viên Ban chuyên án.

Đại tá Trần Xuân Ánh trao thưởng cho thành viên ban chuyên án. . ẢNH: CÔNG AN THÁI BÌNH

Phát biểu tại lễ trao thưởng, đại tá Trần Xuân Ánh, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, ghi nhận và biểu dương chiến công của Ban chuyên án. Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho hay, việc phá chuyên án thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, không ngại khó, không ngại khổ, không ngại "va chạm" với tinh thần kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, không có vùng cấm, "làm một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động bình thường của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; bảo vệ, củng cố uy tín của cơ quan báo chí, nhất là những người làm báo chân chính.

Đại tá Ánh yêu cầu các đơn vị tập trung tối đa lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp thu thập, củng cố hồ sơ tài liệu chứng cứ, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan tố tụng khẩn trương khởi tố các bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp theo quy định của pháp luật với phương châm làm đến đâu chắc chắn đến đó.

Cạnh đó, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cũng đề nghị lực lượng chủ động mở rộng điều tra, thu thập đủ tài liệu chứng cứ tiến hành bắt giữ, khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh, triệt để các đối tượng có liên quan, không để bỏ sót, bỏ lọt tội phạm.

Trước đó, ngày 26.9, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án cưỡng đoạt tài sản, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, quy định tại khoản 3 điều 170 bộ luật Hình sự.

Ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. ẢNH: CAND

Đến nay, cơ quan này đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc đối với ông Đồng Xuân Thụ, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó tổng biên tập; ông Bùi Văn Toàn, Trưởng ban Kinh tế, môi trường; bà Cao Thị Thu Hường, kế toán; 4 phóng viên Nguyễn Ngọc Tuyên, Nguyễn Tất Triển, Đặng Văn Phục và Vũ Đức Lân để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Bước đầu, cảnh sát xác định từ năm 2020, ông Thụ chỉ đạo thành lập chương trình gây quỹ "Cây chổi vàng" dưới vỏ bọc tôn vinh, ủng hộ, làm công tác từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn.

Nhằm tăng quỹ này, ông Thụ và thuộc cấp đã chỉ đạo phóng viên, cộng tác viên đi tìm hiểu các dấu hiệu sai phạm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... sau đó đe dọa đăng tải trên tạp chí nhằm hạ uy tín, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh. Nếu không muốn bị "nêu tên" trên tạp chí, các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức buộc phải tham gia chương trình "Cây chổi vàng".

Do vậy, trong các buổi làm việc với người dân, doanh nghiệp đó, các đối tượng luôn mang sẵn hợp đồng "mời tài trợ" cho chương trình "Cây chổi vàng", khi ép được bị hại tham gia thì yêu cầu ký luôn để thu tiền.

Số tiền thu được, ông Thụ và các đối tượng không thực hiện chi cho hoạt động chương trình "Cây chổi vàng", mà dùng để chia nhau theo tỉ lệ.

Theo Kiến Trần (TNO)

Có thể bạn quan tâm