Ngày thứ ba của phiên tòa xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo là con bạc và đại lý cấp 1-2 trong hệ thống phát hành game bài của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.
Con bạc cay đắng: Thắng đậm nhưng tổng kết lại… thua đậm
Trả lời HĐXX, các bị cáo thuộc nhóm bị cáo phạm tội “Đánh bạc” đều cho biết mình bị thua đến “cháy tài khoản”, và càng chơi càng ham... gỡ.
Bị cáo Vũ Minh Quang cho biết, trong khoảng thời gian bị cáo chơi, tổng số tiền chơi bạc Tip.Club là 25 triệu đồng và đã thua hết sạch số tiền đó. Bị cáo sử dụng 02 tài khoản ngân hàng để mua bán rik phục vụ việc chơi bạc.
“Bị cáo đã nhận thức về hành vi của mình và cảm thấy xứng đáng phải chịu hình phạt theo pháp luật”, Vũ Minh Quang nói.
Bị cáo Vũ Minh Quang. |
Một bị cáo khác có nick name “Thần bài PT89” là Đỗ Hữu Tư cho hay, từ 7/2017-8/2017, thông qua 2 tài khoản đăng nhập để mua rik trên trang chủ của Tip.Club từ nhiều người, trong đó có Lê Thị Vân Anh và Nguyễn Xuân Hướng.
Thậm chí, chỉ trong 1 ngày 22/8/2018 là ngày cuối cùng, bị cáo thua sạch toàn bộ số tiền 22,9 triệu đồng đổi ra rik. Tư khai mới đầu chỉ để “chơi cho vui” nhưng do ham chơi nên tiếp tục “gỡ”. Để giao dịch mua bán rik, bị cáo nhắn tin qua điện thoại và giao dịch qua tài khoản mở tại Vietcombank.
Bị cáo Dương Anh Tuấn - một con bạc khác trong đường dây của trùm cờ bạc Nguyễn Văn Dương cho biết, bị cáo tham gia đánh bạc vì mục đích ăn thua, nhưng tổng kết lại là thua đậm.
Bị cáo Lê Phúc Hà khai tham gia đánh bạc trong hệ thống này từ 1/2016 đến 8/2017. Để đăng nhập vào hệ thống chơi bạc, bị cáo dùng máy tính tại quán internet. Lần thắng bạc cao nhất bị cáo thắng 29,7 triệu đồng sau khi đặt 15 triệu rik. Để có rik chơi bạc, bị cáo thường xuyên mua bán với đại lý Tạ Quang Khoa và chơi theo hình thức Tài – Xỉu. Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc, do thua lỗ nên bị cáo không chịu nộp tiền khắc phục hậu quả.
Nguyễn Tuấn Anh cũng khai tham gia hệ thống từ khi biết đến đại lý cấp 1 Tạ Quang Khoa thông qua mạng xã hội rồi mua rik từ đại lý này và chơi bằng hình thức chơi Tài – Xỉu sau khi dùng điện thoại di động để đăng nhập. Việc mua rik, bị cáo chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Khoa, khi có nhu cầu sử dụng thẻ điện thoại thì đổi từ rik sang thẻ điện thoại. Trong giao diện của game có mục đổi thẻ điện thoại di động, người chơi vào đó chọn mệnh giá thẻ, việc đổi thẻ từ đây sẽ được rẻ hơn so với mua thẻ điện thoại từ các đại lý. Để có được 1 thẻ điện thoại mệnh giá 100.000 đồng, bị cáo chỉ phải trả một lượng rik tương đương 92.500 đồng.
Trong số các bị cáo trong nhóm đối tượng phạm tội Đánh bạc, hầu hết đều là những người lao động tự do. Các bị cáo đều khai nhận là thua lỗ và đều cảm thấy hối hận về việc làm vi phạm pháp luật của mình.
Đại lý thắng lớn nhờ rik và phần thưởng từ doanh thu
Nếu như các bị cáo thuộc nhóm đối tượng “Đánh bạc” đều khai thua lỗ, các bị cáo là đại lý cấp 1-2 thuộc hệ thống game bài đều thắng lớn nhờ hưởng chênh lệch mua bán rik. Ngoài ra, các đại lý cũng được hưởng phần thưởng không nhỏ hàng tháng từ hệ thống nhờ “hưởng ứng phong trào” đua tốp doanh thu giữa các đại lý.
Bị cáo Vũ Văn Dũng (đại lý cấp 1) cho biết, khi gặp đối tượng Hoàng Thành Trung (đang bỏ trốn và bị cơ quan công an truy nã), Trung nói bị cáo và các đại lý “cứ yên tâm làm vì đã có các thế lực lớn ở trên bảo kê”.
Ngoài làm đại lý cho game bài Rikvip, Tip.Club, bị cáo còn làm đại lý cấp 1 cho 23, Zdo, Pen. Khi nhận được tiền mua rik, bị cáo Vũ Văn Dũng chuyển rik cho các đại lý cấp 2 và người chơi.
Bị cáo Vũ Văn Dũng. |
Quá trình làm đại lý cấp 1, bị cáo phát triển được hơn 1.000 đại lý cấp 2. Tất cả danh sách đại lý cấp 2 đều được quản lý trên “tool” của hệ thống. Các đại lý cấp 2 hưởng doanh thu mua đi bán lại, ngoài ra bị cáo cũng thưởng cho các đại lý cấp 2, mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.
“Nhà phát hành xây dựng đua tốp doanh thu, đại lý nào có doanh thu cao sẽ được hưởng theo tháng”, bị cáo Dũng nói.
Tại tòa, Dũng khai được hưởng lợi từ việc làm đại lý cấp 1 là 5,4 tỷ đồng. Bị cáo sử dụng 32 tài khoản ngân hàng từ các ngân hàng khác nhau để mua bán rik. Đến khi bị bắt, tài khoản của bị cáo có hơn 15 tỷ đồng.
Trước khi bị bắt, bị cáo là đại lý kinh doanh internet và đại lý xổ số Vietlott. Bị cáo đã nộp lại 5,4 tỷ đồng cho cơ quan điều tra là số tiền hưởng lợi. Còn lại là tiền bị cáo kinh doanh sim thẻ, kinh doanh làm đại lý Vietlott nên mong muốn được nhận lại số tiền đã bị cơ quan điều tra phong tỏa.
Dũng khai mỗi lần chuyển khoản qua ngân hàng, bị cáo đều ghi nội dung chuyển tiền là “Chuyển rik” và “Mua rik”.
Đặc biệt, Dũng khai nhiều lần được đối tượng Hoàng Thành Trung nói với bị cáo là “có thế lực rất lớn bảo kê nên các em cứ yên tâm làm”.
Khi được hỏi vì sao không trả lời tình tiết này tại cơ quan điều tra, Dũng nói: “Vì đây chỉ là lời nói, không có bằng chứng xác thực nên bị cáo đã không khai ra tại cơ quan điều tra. Bị cáo nghĩ là game này là game hợp pháp, bị cáo rất hối hận về việc làm của mình”.
Một đại lý cấp 2 thuộc hệ thống của Dũng là Trần Viết Trường. Tại phiên tòa, Trường khai quen Vũ Văn Dũng qua mạng xã hội, sau đó xin anh Dũng cho làm đại lý cấp 2.
“Đến thời điểm bị bắt, bị cáo đã mua bán 25,928 tỷ rik. Quá trình làm đại lý cấp 2, bị cáo hưởng lợi từ chênh lệch mua bán rik, ngoài ra được Dũng trích lại 1% từ việc mua bán rik, tổng số tiền chênh lệch từ mua bán rik bị cáo được hưởng là hơn 200 triệu đồng và 3,4 triệu đồng từ mua bán Zdo”, Trần Viết Trường khai.
Bị cáo Trần Viết Trường. |
Trong quá trình mua bán rik, bị cáo được hưởng mức chênh lệch là 1.700 đồng/1 triệu rik. Ngoài ra, mỗi tháng bị cáo được hưởng 5 triệu tiền thưởng từ Vũ Văn Dũng.
“Bị cáo mở 4 tài khoản tại 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, MB, và Vietinbank. Nếu không mở tài khoản tại ngân hàng sẽ không thể giao dịch với Vũ Văn Dũng. Nội dung chuyển khoản thường ghi là “Mua rik” và được các ngân hàng chấp nhận”, Trường khai với HĐXX.
Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Vân Anh (đại lý cấp 2) khai bị cáo hưởng lợi 345 triệu đồng từ hoa hồng mua bán rik trong quá trình làm đại lý cấp 2.
PV (Infonet)