Ngày 22-9, Tòa án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt phúc thẩm Phan Anh Tuấn (SN 1974, trú tại phường 16, quận 8, TP. Hồ Chí Minh) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, ngày 20-6, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt sơ thẩm Phan Anh Tuấn là 3 năm tù, dưới mức khung hình phạt.
Nhịp cầu số 3- cầu Bung bị sập vào khoảng 7 giờ ngày 18-5-2001. |
Từ phát hiện này, tiếp tục điều tra phát hiện công trình có 115/123 cọc ở tất cả các trụ cầu đều bị rút ruột, trong đó trụ T8 có 12 cọc bị cắt từ 1 mét đến 5,51 mét song vẫn được nghiệm thu đều có chiều dài 12,45 mét.
Kết quả giám định tài chính ngày 28-4-2009 xác định tổng giá trị thiệt hại thành tiền của sự cố đổ trụ T8 gây sập cầu Bung là 1.477.159.000 đồng. Đến ngày 3-11-2009, cầu Bung tiếp tục đổ 3 trụ T6, T7, T9 làm rơi 3 dầm bê tông cốt thép đã thi công giai đoạn II của nhịp N6, N7, N10. Ngày 15-10-2010, giám định viên tài chính kết luận xác định tổng giá trị xây lắp bị thiệt hại cầu Bung (giai đoạn I) là 6.816.420.000 đồng.
Cơ quan Điều tra phải tốn hết 500 triệu đồng để giám định thiệt hại sập một nhịp do đổ trụ T8 làm cơ sở truy tố Phan Anh Tuấn- giám sát thi công của Công ty 134 về tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo tính toán, nếu giám định thiệt hại toàn bộ cầu Bung (thêm 3 nhịp) thì phải cần đến số tiền dự kiến trên 5 tỷ đồng. Và như vậy sẽ liên quan đến trách nhiệm nhiều cá nhân khác nhưng hiện nay… chưa có tiền(!). Từ đó, cơ quan chức năng cho rằng phần này sẽ được xem xét trong phần tiếp theo nhưng… không biết đến bao giờ!
Lê Văn Nhung