Phóng sự - Ký sự

Vùng biên những ngày Tết đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày cuối năm cho dù bộn bề công việc nhưng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh cũng đã sắp xếp thời gian hợp lý để về thăm cán bộ, chiến sĩ và bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng và nhất là các xã, các đơn vị lực lượng vũ trang vùng biên giới. Hai ngày liên tục trong tuần này, tôi may mắn được đi cùng với Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Rah Lan Tuấn về vùng biên giới Chư Prông…
1. Dọc ngang, xuôi ngược mấy ngày cận Tết nơi vùng biên Chư Prông (Gia Lai), chứng kiến nhân dân và cán bộ chiến sĩ chuẩn bị Tết mà thấy lòng vui thật sự. Nói chuyện với cán bộ xã nơi chúng tôi đi qua, các anh cho hay, năm nay bà con ăn Tết sẽ to và sẽ vui nhiều lắm đây, bởi giá nhiều loại nông sản tăng cao. Cà phê, hồ tiêu tăng và giữ giá ở mức cao đã mấy tháng nay, đột nhiên thời gian gần đây mì cũng lên giá. Giá được mà năng suất chất lượng cũng lên ngôi. Cũng như các gia đình trồng cao su, hồ tiêu, cà phê, không ít nhà trồng mì thu nhập hàng trăm triệu đồng trong vụ thu hoạch này.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin (thứ hai phải sang) thăm cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Ảnh: N.T.D
Bí thư Huyện ủy Chư Prông Nguyễn Quốc Dũng thông báo những con số vui mà huyện đạt được trong năm vừa rồi trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống của huyện nói chung và các xã dọc vùng biên nói riêng và  một lần nữa anh báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy Hà Sơn Nhin về mọi mặt phục vụ cho Tết huyện đã triển khai, sẽ đảm bảo bà con đón một mùa Xuân an lành, no ấm.
Cũng như mọi năm, Tết này tỉnh hỗ trợ cho mỗi làng 1 triệu đồng, số tiền đó góp phần giúp bà con cùng chung vui Tết trong đêm Giao thừa và nó đã được chuyển đến tận nơi. Quà Tết của cấp trên và của huyện cũng đã đến tay các gia đình chính sách. Những làng trong diện di dời ra khỏi lòng hồ thủy lợi Ia Mơr cũng đã dời xong, bà con đang bắt tay chuẩn bị cho mùa gieo trồng vụ sau, mà nhất là chuẩn bị cho cái Tết chung Tân Mão cũng được quan tâm chú ý từ xã và từng gia đình.
Cách đây chưa lâu, trong cuộc trao đổi nhân gặp mặt đầu năm với đại diện giới báo chí trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Bùi Viết Hội vui mừng trước kết quả năm 2010 và nêu những con số đầy thuyết phục, chứng minh sự trưởng thành của huyện-vươn lên hàng thứ 3 về thu ngân sách của tỉnh, chỉ sau TP. Pleiku và Chư Sê, mục tiêu trong tương lai gần sẽ là xếp hàng thứ hai.
Với một quy mô đầu tư phát triển trên địa bàn như hiện nay thì điều Chủ tịch Hội nói là có cơ sở. Hơn 2 vạn ha đất lâm nghiệp và rừng nghèo sẽ được chuyển đổi thành đất nông nghiệp, những phân vân lâu nay về chuyện có được hay không việc trồng cao su trên loại đất lâm nghiệp này đã được trả lời bằng những kết quả khả quan. Sau 2 năm, cây cao su đã phát triển vượt đầu người, tỷ lệ sống và phát triển của cây không kém gì những nơi được coi là… “thiên đường” của cây cao su.
Nhớ lại chừng hơn ba mươi năm về trước, chỉ riêng chuyện để đưa được cây cao su lên vùng đất Tây Nguyên nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế phải tốn bao nhiêu công sức để… cãi nhau bởi những lý do nào là gió, nắng, độ cao và thổ nhưỡng… Câu trả lời từ thực tiễn giờ đây như ta đã thấy, đã biết. Và cũng muốn nói thêm rằng sự được mất là quy luật của muôn đời, người ta chỉ có quyền lựa chọn cho cái được nhiều, cái mất ít đi là thắng lợi rồi. Câu chuyện kinh tế và cuộc sống không đơn giản chỉ là những bài toán, những con số.
Chưa hết, Chư Prông còn là nơi được thụ hưởng phần lợi từ công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên-Ia Mơr với sức tưới cho trên 14.000 ha cây trồng, trong đó nông dân của huyện “chiếm” trên 2/3, diện tích còn lại nằm về phía tỉnh Đak Lak. Để làm những chuyện lớn như thế, tiền của của Nhà nước và của các doanh nghiệp đưa vào đây không hề nhỏ. Cái mà lâu nay gọi là “tiềm năng”, là “truyền thống” giờ đây đã có cơ hội để biến thành sức mạnh, đưa xã hội vươn lên xứng với những gì đang sở hữu.
Với trên 30 km đường biên giáp tỉnh Rattanakiri (Campuchia), Chư Prông có thể coi đây cũng là tiềm năng. Gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, giáp tỉnh bạn Đak Lak, một phần giáp những địa phương mạnh như Chư Sê, Pleiku, Đức Cơ, có nhiều cây số quốc lộ 19, 14 đi qua địa bàn và dọc ngang tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ… làm cho Chư Prông có một hệ thống giao thông vô cùng thuận lợi. Với điều kiện như thế, Chư Prông vươn lên trong tương lai gần là chuyện không còn xa.
2. Đến với vùng biên giới Chư Prông vào những ngày giáp Tết cho ta bao điều vui tận thấy, tận nghe-không chỉ là sự phát triển về kinh tế-xã hội mà là để khẳng định một lần nữa lòng tin vào tương lai của vùng đất anh hùng này. Rất nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật nhưng các cán bộ chiến sĩ Biên phòng vẫn chắc tay súng.
Bí thư Tỉnh ủy (bên trái) tìm hiểu điều kiện sinh hoạt của Bộ đội Biên phòng. Ảnh: N.T.D
Các anh vui mừng báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy về thành tích tuần tra, canh giữ biên cương, về chuyện làm công tác dân vận, góp phần cùng địa phương chăm lo cho cuộc sống yên bình của bà con đồng bào các dân tộc định cư dọc biên giới; các anh còn làm “cầu nối” giữa các lực lượng chức năng và đồng bào hai bên biên giới, tạo môi trường biên giới hòa bình, yên vui.
Dự hai “cuộc” thăm hỏi của lãnh đạo hai địa phương đến từ hậu phương-huyện mới Chư Pưh và huyện xa Krông Pa với cán bộ chiến sĩ Đồn 729 mà cảm động vô cùng. Những món quà Tết không lớn về giá trị vật chất nhưng lớn nhiều về giá trị tinh thần. Các cô gái, chàng trai “ở phía sau” hiện diện ở đồn này như tiếp nhiều sức cho những người lính xa nhà trong dịp Tết, giúp họ vượt qua những nỗi niềm riêng để vẫn vững vàng tay súng.
Nói chuyện với tôi, một chiến sĩ cho biết: “Liên tục trong gần nửa tháng lại đây, bọn em đón rất nhiều khách đến thăm, nhận được nhiều quà Tết. Sự chăm sóc yêu thương đó làm cho bọn em vơi đi nỗi nhớ, nhất là đối với các bạn trẻ vừa mới nhập ngũ. Chúng em càng thấy mình thêm phần trách nhiệm, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cao hơn…”.
Quây quần bên mâm cơm đạm bạc, giữa khách và chủ không còn ranh giới. Cùng chén rượu nhạt với những món nhắm “cây nhà lá vườn” mà chiến sĩ Biên phòng làm được là những câu chuyện về Tết, về gia đình bạn bè… cứ thế kéo dài cho đến khi không thể không chia tay và lời hẹn Tết sau giữa những chàng lính trẻ “chưa có gì” với các cô gái từ hậu phương bằng những lời ca da diết và cái bắt tay đầy chủ ý... Vùng biên mùa Tết đến là thế!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm