Kinh tế

Vùng nguyên liệu mía phía Đông: Nông dân chờ... nhà máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nông dân chịu thiệt trăm đường
Đưa tay chỉ ruộng mía gần 5 sào bị cháy trơ trụi, ông Nguyễn Xuân Lai, ở thôn An Xuân 4, xã Xuân An (thị xã An Khê) ngậm ngùi: “Nhà tôi chỉ trồng được gần 5 sào mía để trang trải cuộc sống gia đình. Các năm trước đến thời điểm này đã bán được nhưng năm nay không hiểu vì sao nhà máy chưa mua. Vừa rồi từng ấy mía không may bị cháy, bây giờ ai mua mấy trăm ngàn tôi cũng bán để gốc mía kịp tái sinh”.
Không chỉ gia đình ông Lai mà hàng trăm hộ trồng mía ở các huyện phía Đông của tỉnh cũng đang thấp thỏm nỗi lo bị cháy.
 
Thời tiết nắng nóng, việc chậm chặt mía trước tiên ảnh hưởng đến chữ lượng đường và trọng lượng mía. Cùng với đó, mía chưa kịp thu hoạch sẽ làm cho khả năng tái sinh của gốc chậm, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của vụ sau. Nhiều nông dân cho rằng với khả năng mua mía như hiện nay thì cuối tháng 3 các nhà máy đường mới thu mua hết mía cho nông dân, kéo theo sự chậm trễ mùa vụ, năng suất cũng như sản lượng sẽ giảm xuống thấp là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, nguy cơ mía cháy lại đang ở mức báo động cao do một số diện tích mía bị cháy. Cũng chính vì lý do này mà nông dân trồng mía đã lo tìm đường bán mía cho tư thương với giá thấp hơn so giá nhà máy, với 650 đồng/kg. Theo thống kê, hiện còn gần 7.000 ha mía chưa thu hoạch. Nếu bán cho tư thương thì nông dân chịu thiệt khoảng 7-8 triệu đồng/ha.
Ruộng mía của ông Nguyễn Xuân Lai bị cháy. Ảnh: V.H
Nhìn một cách tổng thể thì các tỉnh lân cận như Phú Yên, Kon Tum, Bình Định đều có các nhà máy đường. Khu vực phía Đông của tỉnh do hai nhà máy đường Bình Định và An Khê bao tiêu đã được phân chia vùng nguyên liệu. Vùng nguyên liệu luôn được mở rộng trong khi công suất các nhà máy không tăng được bao nhiêu.
Để giải quyết vấn đề mía tồn đọng và nguy cơ thua lỗ của người dân, UBND huyện Đak Pơ đã thành lập 2 đoàn công tác để làm việc với các nhà máy đường và yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ mua mía cho nông dân. Mới đây, Phòng Kinh tế thị xã An Khê cũng đã có báo cáo nhanh gửi UBND thị xã đề nghị khẩn trương làm việc với các nhà máy để giải quyết đầu ra nguyên liệu cho dân. Trên thực tế, các nhà máy đường muốn kéo dài vụ ép để không phải quá tải, đó cũng là cách giữ vùng nguyên liệu cho những vụ sau. Ông Nguyễn Minh Lục- Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết: Xã tôi còn gần 400 ha mía chưa thu hoạch. Nếu các nhà máy đường kéo dài vụ ép thì phải đầu tư theo bậc thang và phải có chính sách bù giá cho nông dân thì mới không còn cảnh quá tải như hiện nay.
“Cò mía” thao túng?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một số nhà máy đường như Kon Tum, Phú Yên đang thiếu nguyên liệu. Tuuy nhiên vì là vùng nguyên liệu của hai nhà máy đường An Khê và Bình Định nên nông dân không thể chở mía đi bán. Trong khi đó, phiếu đốn mía của hai nhà máy này cấp cho nông dân lại hạn chế, khiến thương lái tìm cách ép giá người dân.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã nhận nhiều thông tin về một số đầu nậu thao túng giá mía. Những kẻ này có xe để chở mía hoặc có khả năng chạy được phiếu đốn mía.
Trong vai một người có 3 ha mía chưa thu hoạch, chúng tôi liên lạc được với một “cò mía” có tên là Tuấn ở thị xã An Khê và được anh này cho biết: Mía bây giờ rất khó bán, các nhà máy hạn chế phiếu đốn nên giá rất rẻ, chỉ mua được từ 500 đồng đến 600 đồng/kg. Khi tôi đề nghị tăng giá vì giống mía tốt thì anh này cũng chỉ nâng lên được 650 đồng/kg, không tính công chặt mía. Nhiều thương lái cho rằng họ đã mua được khá nhiều mía nhưng vẫn chưa thể bán.
Khi nông dân cần giải phóng ruộng mía để chuẩn bị cho vụ sau, các nhà máy đường không đáp ứng kịp, thì việc xuất hiện các thương lái là điều đương nhiên. Để bảo vệ quyền lợi người trồng mía, hạn chế tình trạng “cò mía” ép giá, chính quyền các địa phương cần phối hợp với các nhà máy thu mua mía kịp thời cho nông dân.
Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm