Pháp luật

Tin tức

Vươn lên từ lỗi lầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua khảo sát, trong số 3.278 người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, có 2.725 trường hợp đã có việc làm, cuộc sống ổn định, chiếm 83,13%. Anh Trần Minh Thảo ở tổ 10, phường An Bình, thị xã An Khê là một trong những người như thế.

Đó là một thanh niên có gương mặt sáng và nụ cười hiền lành. Ở tuổi 29, anh Thảo có vợ và con nhỏ, gia đình họ sống cùng mẹ và em gái. Hiện anh làm công nhân mỏ đá ở xã Kông Yang (huyện Kông Chro), lương mỗi tháng gần 7 triệu đồng. Cuộc sống tuy còn vất vả, nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian tham gia công tác ở Ban bảo vệ dân phố phường An Bình. Nhắc lại chuyện xưa, Thảo không giấu được vẻ ngại ngùng.

 

Anh Trần Minh Thảo (người đi đầu) cùng Ban Bảo vệ dân phố làm trật tự đô thị. Ảnh: T.N

Anh kể: “Ngày đó, mặc dù cha mẹ hết lời khuyên bảo, nhưng tuổi trẻ bồng bột, tôi không nghe lời mà thường theo bạn bè quậy phá, đánh nhau. Ngày 7-8-2002, tôi bị đưa vào trường giáo dưỡng 2 năm. Trở về, tôi ít gặp bạn cũ, đi làm công nhân đá, nhưng tính tình vẫn nóng nảy, thiếu kiềm chế. Tháng 10-2008, xảy ra mâu thuẫn, tôi đánh người, lại bị kết án 9 tháng tù. Tháng 7-2009, trở về nhà, thấy cha yếu, mẹ già, tôi rất đau lòng và thực sự hối hận. Vì chuyện của tôi, cha tôi suy sụp, lo nghĩ nhiều, không lâu sau đó thì qua đời…”.

Nói đến đây, Thảo ngừng lại rất lâu, đôi mắt trĩu nặng nỗi ăn năn. “Tôi đã hứa trước vong linh cha sẽ không bao giờ để cha mẹ phải buồn vì mình nữa. Trên hành trình về con đường lương thiện, tôi không cô độc mà luôn nhận được sự quan tâm từ gia đình, chính quyền địa phương. Các anh Công an phường cũng thường đến động viên, giới thiệu việc làm cho tôi. Từ sau khi được tạo điều kiện tham gia vào Ban bảo vệ dân phố phường An Bình, bất cứ khi nào có thể, tôi đều chia sẻ những gì mình đã trải qua để khuyên các bạn thanh-thiếu niên đừng phí hoài tuổi trẻ của mình như tôi để rồi phải xót xa, ân hận”-anh bộc bạch.         

Chứng kiến hành trình “lột xác” của anh trai mình, chị Trần Thị Thanh Thương chia sẻ: “Chấp hành án trở về, anh Thảo đằm tính hơn, ít đi chơi. Sau khi ba mất, anh cáng đáng việc nhà, chăm sóc gia đình rồi còn tham gia công tác xã hội. Thấy anh như vậy, em rất vui mừng”. Còn ông Nguyễn Công Tấn-Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường An Bình cho biết: “Thảo được tổ dân phố, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương giới thiệu vào lực lượng bảo vệ dân phố đến nay đã được 5 năm và tham gia rất tích cực, nhiệt tình, nhất là trong công tác phối hợp tuần tra, trực. Khi có việc xảy ra liên quan đến an ninh trật tự, được phân công, Thảo nhanh chóng đến hiện trường nắm tình hình để báo cáo và cùng anh em kịp thời ngăn chặn. Do đó, nhiều năm liền Thảo được anh em trong ban bầu chọn danh hiệu tiên tiến”.

Trong năm qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 1.107 người được đặc xá, ra tù. Theo thống kê, phần lớn trong số đó đã tìm được việc làm, dần ổn định cuộc sống, chỉ có 52 người tái phạm, chiếm hơn 4%. Từ con số này và câu chuyện kể trên, có thể thấy, xã hội luôn mở rộng vòng tay để đón nhận những người lầm lỗi thực sự muốn quay về làm lại cuộc đời. Và lòng bao dung của cộng đồng, tình thương của gia đình chính là ngọn lửa tiếp thêm nghị lực, thắp sáng trong họ niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

Thoại Nhân

Có thể bạn quan tâm