(GLO)- Nếu đã từng một lần dạo bước trong gió biển Quy Nhơn hay thông reo Đà Lạt để ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc tại các công viên, hẳn có người sẽ tự hỏi vì sao Pleiku chưa thể có một điểm đến mang đậm dấu ấn văn hóa như thế. Cũng với ý nghĩ ấy, một số nhà điêu khắc ở Gia Lai đã nêu ý tưởng về một vườn tượng nghệ thuật tại Quảng trường Đại Đoàn Kết hoặc dọc suối Hội Phú, từ đó tôn lên vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống văn hóa của xứ sở cao nguyên.
Những năm gần đây, điêu khắc Gia Lai đã dần khẳng định chỗ đứng trong dòng chảy nghệ thuật chung với nhiều tác phẩm và tác giả được đánh giá cao. Dù vậy, do đội ngũ ít, tác phẩm cồng kềnh nên cơ hội tiếp cận công chúng của nghệ thuật điêu khắc còn hạn chế so với các chuyên ngành khác.
Trong một lần chúng tôi ghé thăm xưởng làm việc, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh-Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai đã chia sẻ bằng tất cả niềm say mê về một khu vườn tượng ở Phố núi. Anh thậm chí đã hoàn thiện một số phác thảo mang đậm dấu ấn mỹ thuật đương đại và lên phối cảnh chi tiết. Mong muốn của nhà điêu khắc từng đoạt huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010 là vận động xã hội hóa để xây dựng một không gian nghệ thuật tạo điểm nhấn cho diện mạo, bản sắc đô thị, đồng thời đưa bộ môn nghệ thuật tạo hình còn lạ lẫm trên đến gần hơn với công chúng.
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Vinh, đây sẽ là nhóm tượng mang chủ đề chung về vẻ đẹp đất nước, con người, cuộc sống, tình yêu… nhưng không thể thiếu những nét đặc trưng Tây Nguyên. Nếu không thể hoàn thiện bằng những chất liệu chủ đạo, bền vững như đá, đồng thì có thể đắp bằng xi măng. Vị trí lý tưởng là trưng bày dọc đường Anh Hùng Núp cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết với khoảng trên 20 bức tượng xếp zic zăc phù hợp tầm nhìn lẫn không gian. Còn nếu trưng bày dọc suối Hội Phú-đoạn từ đường Bà Triệu đến chùa Minh Thành, nơi có thảm cỏ xanh mượt và không gian thoáng, đẹp, thơ mộng thì phải cần đến 40-50 tác phẩm mới đảm bảo sự hài hòa.
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh (ở giữa) cùng họa sĩ Lương Xuân Đoàn (bìa phải)-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chụp ảnh lưu niệm bên tác phẩm tượng Anh hùng Núp (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Phương Duyên |
Nói về việc hiện thực hóa ý tưởng lãng mạn này, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh chia sẻ: “Trước mắt, tôi sẵn sàng đóng góp khoảng 10 tượng có chiều cao 2-3 m. Trong quá trình thực hiện có thể chia ra làm nhiều giai đoạn, hoặc kêu gọi một số điêu khắc gia trong toàn quốc gửi phác thảo về, ta bỏ chi phí ra phóng lớn lên rồi đắp bằng xi măng, như vậy không tốn nhiều kinh phí nhưng sẽ có một vườn tượng phong phú về chủ đề, phong cách. Tôi đã từng trao đổi với đồng nghiệp các nơi và họ cho biết sẽ hưởng ứng vì cũng muốn lưu lại dấu ấn cá nhân ở Pleiku”. Nguyễn Vinh cho hay, một trong những tác phẩm anh tâm đắc và muốn đóng góp là tượng Anh hùng Núp bằng chất liệu composite, kích thước 2,3 m x 1,4 m, từng được chọn trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật Gia Lai và Kon Tum năm 2020.
Đồng tình với ý tưởng trên và sẵn lòng chung tay, góp sức là nhà điêu khắc Lê Sỹ Soái. Qua gần 30 năm theo đuổi công việc sáng tạo lắm nhọc nhằn này, ông được biết đến với nhiều tác phẩm nổi bật như: tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ đặt trong khuôn viên An Khê đình thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê); tượng đài “Kon Tum tháng 3” đặt ở cửa ngõ tỉnh Kon Tum... Nhà điêu khắc lão làng giãi bày: “Tôi với Vinh đã trao đổi về ý tưởng này”. Ông cũng đề xuất tỉnh nên có chủ trương mở trại điêu khắc, nếu thành công sẽ có được nhiều tác phẩm đẹp, đề tài phong phú để tạo dựng vườn tượng giữa lòng đô thị. “Không gian văn hóa cộng đồng này sẽ làm cho bộ mặt thành phố sinh động hơn, góp phần giới thiệu văn hóa đặc sắc. Du khách khi đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết hay suối Hội Phú có thêm không gian nghệ thuật để trải nghiệm, cũng là cách hay để quảng bá du lịch. Một công, đôi việc”.
Pleiku đang hướng tới mục tiêu trở thành thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Sẽ càng đẹp hơn, thi vị hơn khi trong màu xanh ấy, trong mưa nắng thời gian vẫn bừng lên vẻ đẹp văn hóa thâm trầm, đậm chất nghệ sĩ. Thành phố cũng đã lên ý tưởng xây dựng phố đi bộ bắt đầu từ Quảng trường Đại Đoàn Kết qua đường Phùng Hưng, ghé suối Hội Phú. Điểm đến đã có, vấn đề là cần làm gì để điểm đến ấy thêm “giàu có”, hấp dẫn, bản sắc. Trong điều kiện đó, vườn tượng là một đề xuất hay, phù hợp với không gian đô thị, thỏa lòng du khách một lần ghé qua.
Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: “Việc vận động xã hội hóa để hình thành một vườn tượng nghệ thuật giữa lòng TP. Pleiku như các nhà điêu khắc đề xuất rất đáng hoan nghênh, nếu làm được sẽ giúp cho diện mạo đô thị thêm đẹp, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Tôi sẽ trao đổi kỹ hơn về vấn đề này với các tác giả, đồng thời tham mưu lãnh đạo thành phố để sớm hiện thực hóa ý tưởng này”.
|
PHƯƠNG DUYÊN