Kinh tế

Vượt khó để sản xuất kinh doanh hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Trong 2 năm trở lại đây, giá mủ cao su trên thị trường sụt giảm mạnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty cao su trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Bằng những giải pháp cụ thể và linh hoạt, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã có những bước đi vững chắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông hiện có 9.019 ha cao su, trong đó có khoảng 2.501 ha cao su trồng mới từ chương trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su.

 

Hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su. Ảnh: Nguyễn Diệp

Trong năm 2013, Công ty được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao chỉ tiêu khai thác 7.700 tấn mủ. Tuy nhiên, giá bán mủ cao su trên thị trường thế giới tiếp tục xuống thấp, giá bán bình quân chỉ còn 49 triệu đồng/tấn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, Công ty ưu tiên tập trung chữa bệnh phấn trắng không để lây lan trên diện rộng, sử dụng chất kích thích mủ kết hợp với đầu tư phân bón vườn cây. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng chương trình hợp tác với Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam tư vấn về năng suất sản lượng cao su từ năm 2011 đến 2015. Nhờ đó, kết thúc năm 2013, tổng sản lượng mủ khai thác của Công ty đạt 7.764 tấn/7.700 tấn, đạt 100,8% kế hoạch Tập đoàn giao. Năng suất bình quân vườn cây đạt 1,45 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt 2,07 tấn/ha. Cùng với đó việc quản lý quy trình khai thác chặt chẽ hơn và rất ít xảy ra tình trạng cạo phạm và hao dăm.
 

Trong năm 2014, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông dự kiến đưa vào khai thác 5.440 ha, trong đó mở miệng cạo mới 216 ha, năng suất bình quân 1,56 tấn/ha. Phấn đấu đạt sản lượng khai thác 8.500 tấn, sản lượng mủ chế biến đạt 9.050 tấn.   

Song song đó, công tác chế biến mủ cũng có sự đầu tư cải tiến mạnh mẽ, nhất là xây dựng hệ thống Spill Way khử Amoniac giảm hóa chất đánh đông và phí xử lý nước thải. Công ty đã chế biến và nhập kho được 8.091 tấn. Cơ cấu sản phẩm chế biến nhập kho chủ lực như mủ Latex 1.366 tấn, chiếm trên 16%; mủ SVR 3L 4.238 tấn, chiếm 52% và các sản phẩm khác là 2.486 tấn, chiếm 30%. Bên cạnh đó, Công ty sử dụng phương pháp dự báo nhanh chỉ số VFA và giải pháp loại bỏ sự dư thừa DAHP trong sản phẩm mủ Latex cô đặc, hạn chế sử dụng hóa chất góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, Công ty tìm được thị trường tiêu thụ ổn định và các hợp đồng xuất khẩu lâu dài từ Mỹ và các nước khác. Công ty đã xuất khẩu trực tiếp và ủy thác xuất khẩu được 2.921 tấn, hợp đồng tiêu thụ dài hạn được 1.740 tấn, bằng 55% sản lượng mủ xuất khẩu, không để tồn đọng sản phẩm mủ cao su.

Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Phan Sỹ Bình cho hay: Mặc dù toàn ngành Cao su đang gặp khó khăn do giá bán mủ xuống thấp, nhưng với những chiến lược và chính sách đã hoạch định cụ thể từ trước, Công ty vẫn đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập cho người lao động. Trong thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất vườn cây, tích cực phòng ngừa sâu bệnh. Chú trọng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và sản lượng vườn cây. Đặc biệt, Công ty tập trung nghiên cứu thị trường, sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn của khác hàng, nhất là những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như mủ Latex cô đặc, mủ tờ xông khói RSS…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm