Phóng sự - Ký sự

Vượt qua nghịch cảnh vì Covid-19 - Bài 2: Sẽ cố gắng để các em được ăn học đàng hoàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời nhưng may mắn đã không mỉm cười với Tuấn Anh - anh trai cả của 5 người em. Từ nhỏ, sáu anh em đã không có sự bao bọc của cha, đến nay mẹ cũng ra đi vì Covid-19
Không dám nghĩ đến ước mơ
Tìm đến nhà của sáu anh em Tuấn Anh (18 tuổi, ngụ phường An Phú, TP.Thủ Đức), chúng tôi bắt gặp hình ảnh ba anh em đang ngồi say sưa học bài trên chiếc bàn kê tạm trước hiên nhà. Thanh Bình (sinh năm 2010) vừa đọc bài vừa hướng dẫn bài tập cho cô em gái Thảo Nguyên (sinh năm 2013), còn cậu bé Thái Tường (sinh năm 2019) cũng ngồi "coi cọp", thi thoảng lại chỉ trỏ cái này cái kia để hỏi anh chị mình.

Anh trai Thanh Bình đang chỉ bài cho cô em gái Thảo Nguyên trên chiếc bàn được kê ngoài hè nhà. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Dừng bài học, Thanh Bình kể, nhà có 6 anh em nhưng anh ba (Tuấn Khanh, sinh năm 2003 - PV) đã nghỉ học, em út Thái Tường còn nhỏ, còn lại 4 người đều đang học trực tuyến. Nhà nghèo, chỉ bà ngoại và anh trai lớn có điện thoại, bốn anh em chia nhau sử dụng để học. Tuy nhiên, hai thiết bị này cũng đã quá cũ, buổi học nào cũng bị chập chờn, câu được câu mất, có khi mạng quay vòng vòng cả buổi.
Để nắm được kiến thức, bốn anh em tranh thủ xem lại bài học trên youtube, trong sách... cái nào chưa hiểu thì đứa lớn chỉ lại cho đứa nhỏ. Cứ như vậy, bốn anh em "dìu dắt" nhau gần qua một học kỳ học trực tuyến.
Nói về ước mơ trong tương lai, Thanh Bình cười buồn, giờ em chẳng dám nghĩ đến ước mơ của mình nữa, chỉ mong được đi học đến chừng nào hay chừng đó. Lớn hơn chút nữa thì kiếm việc làm thêm phụ bà ngoại, phụ anh hai. 
"Trước đây, em rất muốn được trở thành cầu thủ đá bóng. Mẹ, ngoại, anh hai ai cũng ủng hộ em. Giờ mẹ mất rồi, cảnh nhà thì như vậy, em đâu còn dám ước mơ nữa...", Bình buồn thiu thổ lộ.
Bước ra từ căn nhà cấp 4 cũ kỹ, lụp xụp, bà Lê Thị Hoa (sinh năm 1960, bà ngoại của sáu đứa trẻ) cho biết, trước kia căn nhà này luôn đầy ắp tiếng cười dù cuộc sống có nhiều khó khăn. 

Thế nhưng, từ ngày mẹ mấy đứa trẻ không may qua đời vì Covid-19, các bé trầm lặng hẳn, ít nói, ít cười, cứ thui thủi ra vào bên cạnh nhau. Bản thân bà Hoa vừa đau buồn, tiếc thương cô con gái duy nhất, vừa lo lắng khôn nguôi cho tương lai của sáu đứa cháu ngoại.

Căn nhà của bà Lê Thị Hoa, nơi cưu mang sáu đứa cháu ngoại đang tuổi ăn, tuổi lớn. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, toàn thành phố bị giãn cách, con gái bà Hoa tham gia vào nhóm tình nguyện để đi mang quà, nhu yếu phẩm đến hỗ trợ cho các hộ dân bị cách ly, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 
"Lúc đó, con tôi chưa chích mũi vaccine Covid-19 nào nên rất cẩn thận, khi đi ra khỏi nhà là mặc đồ bảo hộ đàng hoàng, khi trở về thì khử khuẩn, tắm rửa, phơi nắng… rất kỹ lưỡng. Khoảng đầu tháng 9/2021, con gái tôi thấy đau họng nên mua que về để thử nhanh Covid-19 nhưng cho kết quả âm tính. Nghi do uống cà phê đá nhiều nên đau họng, con tôi chỉ ở nhà điều trị. Đến ngày thứ 6 thì trở nặng, không thở được nên đi bệnh viện thì phát hiện dương tính. Nằm ở bệnh viện dã chiến được ít ngày, con gái tôi qua đời…", bà Hoa nghẹn ngào kể về sự ra đi của con gái mình, mẹ của sáu đứa cháu nhỏ.
Mẹ mất, mấy đứa lớn gục đầu xuống gối khóc nức nở. Cậu con út Thái Tường ngơ ngác, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thấy bà khóc, anh chị khóc thì cũng mếu máo khóc theo và gọi mẹ...
"Không biết tương lai của mấy đứa trẻ sẽ ra sao nữa, tôi thì già rồi, lương hưu mỗi tháng chỉ được hơn 2 triệu đồng. Mấy bữa trước đi bán vé số để kiếm thêm, nhưng đi bộ nhiều, chân bị giãn tĩnh mạch sưng vù nên không đi được nữa. Đợt giãn cách vừa rồi mấy bà cháu được cho gạo, bây giờ vẫn còn nên chỉ phải lo tiền thức ăn.

Đứa cháu ngoại lên 3 nhớ mẹ, đêm nào cũng khóc đòi bà ngoại đưa đi gặp mẹ khiến người phụ nữ ngoài 60 tuổi quặn thắt nỗi lòng. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Thôi thì bà cháu nương tựa vào nhau, có gì ăn đó. Cũng may mắn là mấy đứa cháu đều ngoan, hiểu chuyện, biết hoàn cảnh của mình nên chịu khó học hành. Chỉ có em út Thái Tường còn nhỏ, mẹ mất hơn hai tháng rồi nhưng đêm nào cũng khóc, cũng đòi bà đưa đi gặp "má mi". Thương cháu, nhớ con, lòng tôi như đứt từng đoạn", bà Hoa sụt sùi chia sẻ.
Sẽ thay mẹ cho các em ăn học đàng hoàng
15h chiều, khi vừa kết thúc ca làm trở về nhà, anh cả Tuấn Anh (18 tuổi) lễ phép chào hỏi chúng tôi rồi ngồi xuống trò chuyện. Tuấn Anh kể, em vừa xin được công việc pha chế tại một quán cà phê với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc từ 6h20 đến 14h. Với mức thu nhập này, em có thể phụ bà lo được chi phí ăn uống, điện nước trong tháng cho gia đình.
"Nhất định em sẽ thay mẹ lo cho các em ăn học đàng hoàng, ít nhất là đến năm các em được 18 tuổi như em bây giờ"
Tuấn Anh (18 tuổi, ngụ phường An Phú, TP.Thủ Đức

Uống vội ly nước, Tuấn Anh nói: "Em đang học cao đẳng ngành điện lạnh, hiện chỉ học vào buổi tối. Ban ngày em tranh thủ đi làm thêm để kiếm tiền phụ bà nuôi các em, thời gian còn lại sẽ theo người quen đi sửa đồ gia dụng. 

Tuấn Anh cho biết, đi theo sửa đồ không có thu nhập nhưng em có thể học nghề, học các kinh nghiệm để thành thạo công việc một cách nhanh nhất".

Ba Lê Thị Hoa cho biết, bé Thảo Nguyên dù nhỏ tuổi nhưng rất hiểu chuyện, thường xuyên động viên bà. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Mẹ mất, nhà đông anh em, bà ngoại đã lớn tuổi nên Tuấn Anh hiểu trách nhiệm của mình là rất nặng nề. Nhưng Tuấn Anh vẫn lạc quan lắm. Trước mắt, học phí của các em Tuấn Anh đã được nhà trường hỗ trợ nên gia đình cũng đỡ phần nào gánh nặng. Ăn uống, chi phí điện nước trong nhà thì Tuấn Anh đi làm thêm có thể lo được. Với 6 anh em, khởi đầu cuộc sống thiếu vắng mẹ như vậy cũng tạm ổn.
Điều khiến Tuấn Anh suy nghĩ nhiều nhất là việc em kế em - Tuấn Kiệt đã nghỉ học. Em đã nhiều lần động viên Kiệt đi học trở lại để tương lai không vất vả. Nhưng phần vì thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì đã nghỉ học một thời gian nên Kiệt rất ngại, không muốn đi học nữa. 
"Nếu em ấy không muốn học phổ thông, em sẽ động viên để đi học nghề. Nhất định em sẽ thay mẹ lo cho các em ăn học đàng hoàng, ít nhất là đến năm các em được 18 tuổi như em bây giờ", Tuấn Anh nói.
Để giúp đỡ phần nào những khó khăn, vất vả mà các em nhỏ phải gánh chịu khi bị mất đi người thân do Covid-19, bạn đọc của báo điện tử Dân Việt cùng Cộng đồng Chứng khoán - Stock Dog Racing đã gửi tặng 22.000.000 đồng cho 9 trường hợp mồ côi tại TP.HCM.
Báo điện tử Dân Việt đã thay mặt bạn đọc trao tặng đến bốn chị em Y.N (phường Tân Thới Nhất, quận 12) số tiền là 6.000.0000 đồng; 6 anh em Nguyễn Thanh Bình (phường An Phú, TP.Thủ Đức) số tiền 3.000.000 đồng; anh em H.B (Tôn Đản, quận 4) số tiền 3.000.000 đồng; anh em Nguyễn Đức Bảo (phường Tam Phú, TP.Thủ Đức) số tiền 3.000.0000đ; anh em Châu Gia Lộc (phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) số tiền 2.000.000đ; anh em bé Huỳnh Tấn Phát (phường Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) số tiền 2.000.000đ; bé Phan Huỳnh Yến Phi (phường Tân Thới Nhất, quận 12), em Cao Phạm Quốc Duy và bé Đổng Kim Loan (cùng ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) mỗi bé 1.000.000 đồng.
Theo Mỹ Quỳnh (Dân Việt)
https://danviet.vn/vuot-qua-nghich-canh-vi-covid-19-bai-2-se-co-gang-de-cac-em-duoc-an-hoc-dang-hoang-20211121082747873.htm

Có thể bạn quan tâm