Sức khỏe

Tin tức

WHO lên tiếng về việc Trung Quốc tiết lộ thêm dữ liệu nguồn gốc Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không thể buộc Trung Quốc tiết lộ thêm dữ liệu nguồn gốc Covid-19 và sẽ đề xuất nghiên cứu để hiểu vấn đề ở “cấp độ tiếp theo”.

Trong cuộc họp báo tại Geneva - Thụy Sĩ ngày 7-6, khi được hỏi về cách WHO sẽ "buộc" Trung Quốc cởi mở hơn về cung cấp dữ liệu nguồn gốc Covid-19, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết cơ quan này "không có quyền ép buộc bất kỳ ai trong vấn đề đó".

Ông Ryan nói: "Chúng tôi hoàn toàn mong đợi sự hợp tác, đóng góp ý kiến và hỗ trợ của tất cả quốc gia thành viên trong nỗ lực đó".

Hiện có một số giả thuyết về nguồn gốc đại dịch Covid-19: virus lây từ động vật (có thể là dơi) sang người hoặc virus thoát ra từ phòng thí nghiệm ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. Lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán gần đây trở thành chủ đề tranh luận sau khi một số nhà khoa học nổi tiếng kêu gọi một cuộc điều tra đầy đủ về nguồn gốc của virus.

 

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO Michael Ryan tại cuộc họp báo. Ảnh: WHO


Trung Quốc nhiều lần phủ nhận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán chịu trách nhiệm về vụ bùng phát dịch Covid-19.

Hồi tháng 3, các thành viên nhóm điều tra do WHO dẫn đầu tới Trung Quốc để xem xét nguồn gốc Covid-19. Thế nhưng, phái đoàn không được quyền truy cập tất cả dữ liệu, tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về tính minh bạch của Bắc Kinh.

Theo South China Morning Post, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7-6 tránh các câu hỏi về những biện pháp mà Washington sẽ thực hiện nếu Bắc Kinh không hợp tác trong nỗ lực xác định nguồn gốc virus gây ra dịch Covid-19, thay vào đó cho rằng áp lực quốc tế sẽ giúp thuyết phục chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phàn nàn về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin Covid-19. Theo ông Tedros, tình trạng đó tạo thành "đại dịch 2 lối", phân tách thế giới làm hai nửa: nước giàu thừa mứa vắc-xin, nước nghèo khan hiếm.

Tổng Giám đốc WHO bày tỏ sự thất vọng khi một số quốc gia nghèo không thể tiêm chủng cho nhân viên y tế, người già và các nhóm dân số dễ bị tổn thương trước Covid-19. Ông Tedros kêu gọi nỗ lực toàn cầu cho Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa Covid-19 (viết tắt là COVAX) để có đủ vắc-xin cho 10% dân số của các quốc gia trước cuối tháng 9, đạt mốc 30% dân số tất cả các nước vào cuối năm nay.

Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm