Kinh tế

Xã Ayun quyết tâm thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ayun nằm ở phía Đông Bắc của huyện Mang Yang, có tổng diện tích tự nhiên trên 9.028 ha, trong đó đất nông nghiệp là 1.717 ha, đất lâm nghiệp là 5.433 ha, còn lại là đất ở và đất chưa sử dụng. Toàn xã có 1.652 hộ, với 8.077 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Bahnar chiếm trên 62%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thanh-Phó chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: Mặc dù xã có diện tích tự nhiên tương đối lớn nhưng phần lớn là đất lâm nghiệp, diện tích đất nông nghiệp tương đối ít, cộng với việc canh tác không hợp lý của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã làm cho đất ngày càng bạc màu dẫn đến năng suất ngày càng giảm. Ngoài ra, thổ nhưỡng nơi đây lại không thích hợp với các loại cây trồng lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su… Cây trồng chủ lực của xã vẫn là cây lúa và mì nên khó có khả năng thoát nghèo bền vững.

 

Ảnh: Quang Tấn

Những năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã  tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng nhanh diện tích cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao và nhân rộng các mô hình trình diễn. Theo đó, nhận thấy cây bời lời là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của người Bahnar, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã đã đầu tư 328 triệu đồng hỗ trợ người dân ở các làng đặc biệt khó khăn mua giống, phân bón (người dân đóng góp 10%) trồng mới 45 ha cây bời lời từ diện tích cây mì cho năng suất thấp, nâng tổng diện tích cây bời lời hiện có trên địa bàn xã lên 87 ha.

Đặc biệt, hàng năm xã đã triển khai các mô hình lúa nước nâng cao năng suất, chất lượng như mô hình giống lúa Hương cốm, giống lúa HT1, DV108… đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn áp dụng những tiến bộ của khoa học, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng vào sản xuất. Cùng với đó, xã khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi tập trung...

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp dân phát triển sản xuất; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn mục tiêu quốc gia do đó chương trình xóa đói giảm nghèo ở Ayun bước đầu mang lại hiệu quả. Nếu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của xã Ayun trên 31% thì năm 2012 tỷ lệ này chỉ còn 25%. Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm 2013, xã đặt ra chỉ tiêu tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-7%.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm