Bạn đọc

Xã Ia Kreng: Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là xã có địa bàn rộng, đồng thời nằm ở vị trí có tuyến đường giao thông nối liền giữa xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) với xã Ia Tăng (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) nên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Ia Kreng (huyện Chư Pah) đã và đang đặt ra không ít thách thức.


Xã Ia Kreng có diện tích đất tự nhiên gần 11.200 ha, trong đó có trên 5.710 ha đất rừng (2.582 ha đất rừng sản xuất và trên 3.128 ha đất rừng phòng hộ). Toàn xã có 207 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 46,3%. Người dân tại chỗ hầu hết sinh sống ngay gần rừng. Bên cạnh đó, phong tục người dân địa phương làm nhà sàn bằng gỗ nên việc khai thác rừng trái phép hay phát nương làm rẫy, lấn chiếm đất rừng vẫn còn thường xuyên xảy ra. Trình độ nhận thức của người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng giao khoán có lúc, có nơi chưa được chặt chẽ, hiệu quả.
 

Hiện trường một vụ người dân phá rừng làm nương rẫy. Ảnh: H.L

Mặc dù được các cấp, ngành địa phương đặc biệt quan tâm nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn xã Ia Kreng vẫn còn để xảy ra một số trường hợp người dân phá rừng làm nương rẫy, cưa xẻ gỗ trái phép để làm nhà hay lâm tặc lợi dụng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong khu vực rừng giao khoán gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã phát hiện và xử lý 24 vụ phát rừng làm rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Trong đó nhiều nhất là người dân làng Díp (19 trường hợp). “Với những trường hợp này, chúng tôi đã phối hợp với Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly mời các hộ vi phạm lên UBND xã để tuyên truyền, vận động họ không tiếp tục các hoạt động phá rừng làm nương rẫy, đồng thời viết cam kết không tác động đến các diện tích đất mới khai hoang trên”-ông Nguyễn Hồng Tánh-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết.
 

Thực hiện chính sách giao nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2015, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly đã hợp đồng giao khoán cho 73 hộ dân của 3 làng trên địa bàn xã là: Doch 1, Doch 2 và Díp. Tổng diện tích rừng giao khoán là 3.000 ha (1.000 ha rừng/làng), tổng kinh phí chi trả cho hoạt động giao nhận khoán trong năm là 600 triệu đồng.

Nóng nhất vẫn là tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Theo thống kê của ngành chức năng địa phương, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 6 vụ khai thác gỗ trái phép với tổng khối lượng trên 87 m3 gỗ các loại, trong đó nhiều nhất là tại khu vực rừng giao khoán cho làng Díp với 3 vụ, hơn 43,7 m3 gỗ. Cụ thể, ngày 12-6, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với Đội Kiểm lâm Cơ động số 2 tỉnh Gia Lai đã phát hiện và bắt giữ 29,233 m3 tại khu vực rừng giao khoán cho làng Díp. Trước đó, liên tiếp vào 2 ngày (15 và 16-3), Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah, UBND xã Ia Kreng đã phát hiện và bắt giữ 2 trường hợp khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép khác với tổng khối lượng gỗ bị phát hiện trên 14,5 m3 gỗ, thu giữ 1 xe công nông độ chế. Tất cả số gỗ và tang vật vi phạm đã được đưa về Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pah xử lý. Bên cạnh đó, tại khu vực giao khoán cho làng Doch 1 và Doch 2, ngành chức năng cũng phát hiện các vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép khác, thu giữ nhiều phương tiện khai thác, vận chuyển liên quan.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, ngành chức năng cũng như chính quyền xã Ia Kreng đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp vi phạm. “Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai công tác giao khoán, bảo vệ rừng cho cộng đồng các làng, tăng cường tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến toàn thể bà con trong xã. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly với các ban ngành, đoàn thể của xã cũng như các cơ quan chức năng cấp huyện thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng các hộ nhận giao khoán nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao sẽ xem xét thay đổi, lựa chọn các hộ mới đủ tiêu chuẩn, năng lực và trách nhiệm tham gia trong công tác quản lý, bảo vệ rừng”- ông Tánh nhấn mạnh.

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm