Bạn đọc

Xác định giá đất: Công bố hàng năm hay theo chu kỳ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp tục công bố bảng giá đất hàng năm hay xây dựng giá đất ổn định theo chu kỳ 5 năm/lần? Đây là một trong những vấn đề được bàn thảo và yêu cầu làm rõ theo Kết luận số 22-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bởi trên thực tế hiện nay, giá đất các khu quy hoạch, giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất... khi có biến động về giá so với giá thị trường trong điều kiện bình thường, đều được xác định lại. Hiện nay bảng giá đất hàng năm của địa phương luôn thấp hơn giá thị trường nhiều lần, và việc xác định giá đất theo giá thị trường vẫn đang gặp nhiều khó khăn...

 

Đất ở khu vực nông thôn có khung giá từ 5.000 đồng/m2-1,6 triệu đồng m2. Ảnh: S.C
Đất ở khu vực nông thôn có khung giá từ 5.000 đồng/m2-1,6 triệu đồng m2. Ảnh: S.C

Trong những năm qua, việc xây dựng giá đất hàng năm trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định và không vượt khung giá của Chính phủ tại Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27-7-2007. Tỉnh có 17 huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn; trong đó, đô thị loại II có 1 đô thị, đô thị loại IV có 2 đô thị, còn lại được xếp vào đô thị loại V.

Trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ quy định, hàng năm địa phương đã xây dựng bảng giá đất, xác định giá giao đất, cho thuê đất, giá đấu giá quyền sử dụng đất, giá đất các khu quy hoạch... Giá đất năm 2012 áp dụng trên địa bàn có mức giá cụ thể như sau: Đất ở đô thị cao nhất là 20 triệu đồng/m2 và thấp nhất là 130 ngàn đồng/m2 (TP. Pleiku-đô thị loại II). Đất ở nông thôn cao nhất là 1,6 triệu đồng/m2 (TP. Pleiku) và thấp nhất là 5 ngàn đồng/m2 (huyện Kông Chro-đô thị loại V). Các loại đất nông nghiệp có giá dao động từ 84.200 đồng/m2 đến 1.200 đồng/m2.

Tại một số địa phương có nhu cầu về đất ở và đất sản xuất nông nghiệp tăng cao như TP. Pleiku, các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Chư Sê... thì mặt bằng giá đất liên tục biến động. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 260 dự án (không tính các dự án thủy điện vừa và nhỏ của các doanh nghiệp tư nhân) được triển khai, với diện tích đất phải thu hồi là 4.048,75 ha; số hộ phải bồi thường là 5.404 hộ; số hộ đăng ký tái định cư là 2.521 hộ; số hộ tái định canh là 475 hộ. Đến nay đã giải quyết tái định cư cho 2.050 hộ, tái định canh cho 410 hộ; còn 471 hộ thuộc diện tái định cư và 65 hộ tái định canh đang xem xét giải quyết.

Theo nhận định của các ngành chức năng, đối với các dự án đã và đang triển khai, việc xác định giá đất sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường để phục vụ bồi thường, hỗ trợ cực kỳ khó khăn và không khả thi do chưa quản lý được thị trường bất động sản. Hầu hết các dự án áp dụng giá quy định hàng năm của UBND tỉnh chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, tại một số dự án thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài qua nhiều năm, do đó giá đất bắt buộc phải điều chỉnh nhiều lần nên đã xảy ra tình trạng khiếu nại-khiếu kiện về đơn giá bồi thường chênh lệch cao-thấp theo thời điểm giải phóng mặt bằng, liên tục xảy ra.

Trên thực tế hiện nay, việc xác định giá thị trường gặp không ít khó khăn, một phần do thị trường bất động sản tại địa phương hoạt động chưa tập trung, điều kiện kinh tế và tốc độ phát triển không đồng đều. Đa số các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất thành công nhưng lại chưa thể hiện được giá thị trường trong các hồ sơ pháp lý nên Nhà nước không quản lý được nguồn thu ngân sách. Đối với công tác định giá đất cụ thể để giao đất, cho thuê đất, bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... thực hiện theo phương pháp so sánh trực tiếp để xác định giá đất. Tuy nhiên, xác định giá đất thị trường chủ yếu dựa vào phỏng vấn trực tiếp hoặc gián tiếp các giao dịch trên địa bàn trong cùng một điều kiện như nhau, không có cơ sở pháp lý nên không phản ánh được hết giá trị hữu hình, giá trị vô hình của tài sản...

Liên quan đến việc xác định giá đất, tại Hội thảo chuyên đề các tỉnh Tây Nguyên “Bàn về các nội dung cần làm rõ theo Kết luận 22-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tổng kết thực hiện đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai” vừa diễn ra tại TP. Pleiku, đồng chí Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện công tác xây dựng giá đất ổn định trong 5 năm để tránh lãng phí về nguồn lực.

Bởi theo quy định pháp luật thì giá đất các khu quy hoạch, giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giá khởi điểm để bán đấu giá quyền sử dụng đất... khi có biến động về giá so với giá thị trường trong điều kiện bình thường đều được xác định lại. Trong khi đó, bảng giá đất hàng năm chỉ làm cơ sở để xác định giá thị trường, giá khởi điểm. Với quan điểm là không để người bị thu hồi đất bị thiệt thòi như hiện nay trong các dự án thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, sân gôn..., cần có phương pháp xác định giá thị trường cụ thể, sát với thực tế để áp dụng, nhất là đối với các địa phương có thị trường bất động sản chưa phát triển như Gia Lai.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm