(GLO)- Liên Bộ Công thương-Tài chính đã có công văn điều chỉnh giá xăng bán lẻ tiếp tục tăng lên 1.200 đồng/lít kể từ 20 giờ ngày 20-5. Điều này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng như tạo gánh nặng chi tiêu lên người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.
Người dân buộc phải “thắt chặt chi tiêu”
Theo quyết định của liên bộ, giá xăng RON 92 và xăng sinh học (E5) tăng 1.200 đồng/lít; dầu mazút và diesel tăng 500 đồng/lít, dầu hỏa giảm 64 đồng/kg. Như vậy, sau khi tăng giá, giá xăng RON 92 bán lẻ tại thành phố Pleiku sau khi điều chỉnh là 21.450 đồng/lít; dầu diesel ở mức 16.700 đồng/lít; dầu mazút ở mức 13.153 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 15.751 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá xăng dầu thứ 3 kể từ đầu năm, tính tổng cộng sau 3 đợt tăng giá xăng điều chỉnh tăng tới 4.750 đồng/lít.
Gánh nặng tiếp tục đè nặng lên vai người tiêu dùng khi xăng tăng giá. Ảnh: Q.T |
Điều này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt cán bộ, công nhân viên, những người có thu nhập thấp, người lao động trên địa bàn tỉnh. Đang đỗ xăng tại một cây xăng nằm trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku Chị Trần Thị Ý Nhi-nhân viên bán hàng của Metro tại Gia Lai cho biết: “Do tính chất công việc phải đi nhiều nên việc xăng đột ngột tăng giá mạnh vào tối qua làm mình bất ngờ và khá lo lắng trong công việc cũng như đời sống sinh hoạt trong thời gian tới”. Đời sống sinh hoạt của chị Nhi vốn đã khó khăn từ đồng lương ít ỏi hàng tháng phải chi trả tiền trọ, ăn uống, đi lại… nay gánh nặng ấy càng tăng khi giá xăng lại tăng, buộc chị Nhi càng phải “thắt lưng buộc bụng” giảm chi tiêu trong thời gian tới. Tương tự, anh Ngô Quang Dũng, tổ 9, phường Tây Sơn, TP. Pleiku cho biết: “Giá xăng tăng sẽ gây ảnh hưởng đến công việc cũng như thu nhập của mình, vì công việc của mình thường xuyên phải đi ngoài đường bằng xe máy, do đó mình buộc phải, hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu hơn...”.
Doanh nghiệp vận tải “gồng mình” giữ giá ổn định
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh do xăng tiếp tục tăng giá nhưng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhất là các hãng xe taxi trên địa bàn tỉnh vẫn quyết định “gồng mình” vì khách hàng, giữ giá ổn định như hiện tại nhằm tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng.
Hầu hết các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước xe taxi. Ảnh: Q.T |
Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai cho biết: Việc giá xăng tiếp tục tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vận tải của công ty. Dù lợi nhuận của công ty có thể bằng 0, thu nhập của cán bộ, nhân viên của trong công ty sẽ giảm nhưng phía công ty đã quyết định không tăng giá cước, giữ giá ổn định như hiện nay nhằm chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng. Nếu trong thời gian tới giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì công ty buộc phải tính đến phương án tăng giá cước- ông Kham cho biết thêm.
Cũng như Công ty TNHH một thành viên Mai Linh, Công ty TNHH Dịch vụ du lịch thương mại Taxi Quý cũng quyết định giữ giá cước ổn định chứ không tăng. Ông Phan Văn Quý-Giám đốc công ty cho biết: Mặc dù giá xăng tăng phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như thu nhập của nhân viên trong công ty nhưng để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng nên phía công ty vẫn quyết định giữ nguyên giá cước vận tải.
Việc các doanh nghiệp vận tải quyết định không tăng giá cước, phần nào chia sẻ được những gánh nặng, giảm bớt áp lực chi tiêu hàng ngày cho người dân, nhất là người có thu nhập thấp, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Quang Tấn