Xanh ngát nơi chiến trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiến dịch Plei Me- trận đầu đánh Mỹ của quân đội ta trên chiến trường Tây Nguyên. Sau 45 năm vùng đất “chết” hôm nào bây giờ là bạt ngàn màu xanh của cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu trĩu quả; rẫy mì, rẫy bắp tiếp nối nhau trải xanh núi đồi...

Đến Plei Me, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được những người một thời từng là đồng đội, sát cánh cùng Anh hùng Kpă Klơng trong trận đánh quyết định, tiêu diệt đồn Plei Me. Dù đã bước sang tuổi 70 nhưng cả già Rah Lan Dơm (làng Ngó, Ia Pia) và già Rah Lan Kốt (77 tuổi, làng Hát cũ, xã Ia Pia)- cũng chẳng chịu ngồi yên một chỗ.
Ảnh: P.D
…Nhấp một can rượu cần, ông Kốt nhớ lại: “Năm 1964, 1965, người dân các làng nơi trại biệt kích địch chiếm đóng phải đi sơ tán hết còn thanh niên thì tham gia du kích cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt địch. Mùa khô năm 1965, tôi là Xã đội trưởng E9 (nay là xã Ia Pia) trực tiếp chỉ huy 3 trung đội du kích phối hợp cùng bộ đội chủ lực chặn địch ở phía Đông đường 21 (nay là tỉnh lộ 665), còn trung đội do Anh hùng Kpă Klơng chỉ huy tấn công địch ở phía Tây đường này. Sau khi thất bại tại thung lũng Ia Drăng, quân Mỹ tìm cách tháo chạy, nhưng tới đâu chúng cũng bị quân ta truy kích, đốt cháy xe quân sự đến đó…”. Già Dơm còn kể cho chúng tôi nghe dân làng dù bị bắn, bị giết vẫn một lòng đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ; ban ngày trốn vào rừng, ban đêm gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội; vót chông cắm quanh trại biệt kích của địch…
Chiến dịch Plei Me kết thúc thắng lợi song rừng núi, làng mạc, nương rẫy đều hoang tàn, xơ xác; trận địa Plei Me đầy rẫy bom mìn và trở thành khu vực “chết”.  
Sau giải phóng, khi bộ đội công binh rà phá bom mìn, người dân đã mạnh dạn đến chiến trường xưa để sản xuất, trồng cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, cao su, hồ tiêu. Vùng đất “chết” nhanh chóng trở nên màu mỡ, trù phú. Dọc theo tỉnh lộ 665 từ xã Ia Pia vào xã Ia Ga (trận địa Plei Me cũ) là bạt ngàn màu xanh hồ tiêu, cao su tiểu điền, cà phê. Không kể người Kinh, Jrai hay dân tộc phía Bắc vào hầu như nhà nào cũng có vài ba con bò nuôi lấy sức kéo, vài trăm trụ tiêu, mấy ha bắp lai, mì cao sản. Và theo cách nói vui của Chủ tịch UBND xã Ia Ga Nguyễn Văn Định thì, vài năm trở lại đây, Ia Ga, Ia Pia có không ít triệu phú. Chỉ tính vụ thu hoạch năm nay, xã Ia Ga đã có khoảng 60% hộ dân có thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên; khoảng 200 hộ có thu nhập từ 150 triệu đồng trở lên.
Thành quả trên là nhờ có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, người dân bỏ thói quen trồng lúa rẫy, bắp, mì kém năng suất, thay vào đó là mì cao sản, bắp lai (Ia Pia trên 1.000 ha; Ia Ga 700 ha), cây công nghiệp dài ngày như: Hồ tiêu, cao su tiểu điền, cà phê (trong đó xã Ia Ga có 495,2 ha; Ia Pia có trên 700 ha). Lấy ngắn nuôi dài, dùng cây nông nghiệp “nuôi” cây công nghiệp, người dân làng Tu 1, Tu 2, Khôi đã biết đào giếng, sử dụng nước suối để tưới tiêu. Các hộ khó khăn về nhà ở cơ bản đã được giải quyết theo Chương trình 134, 167 (Ia Ga hơn 108 hộ; Ia Pia gần 130 hộ).
Điện lưới quốc gia cũng đã kéo đến từng hộ gia đình. Đường giao thông nông thôn trải nhựa phẳng lì. Các làng đều có lớp học cho con em đến lớp, ốm đau đã có trạm y tế. Công trình thủy lợi Ia Ga, suối Tô (Ia Pia) đảm bảo nước tưới diện tích cây trồng trong xã… Đặc biệt, Ia Ga, Ia Pia cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo ở Ia Ga chiếm trên 50% thì đến cuối năm 2009 con số này giảm xuống còn 16% (theo tiêu chí cũ), thu nhập bình quân đầu người đạt gần 6 triệu đồng/năm…
Plei Me xưa đã là miền ký ức còn Ia Ga, Ia Pia hôm nay đang vươn mình trỗi dậy hòa chung với nhịp sống mới. Những người con Plei Me đang chung sức chung lòng phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm