Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đak Đoa vững mạnh toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Trương Phước Anh.
Năm 1950, tại xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, Hội nghị Quân-Dân-Chính-Đảng toàn tỉnh đã họp và quyết định thành lập một số huyện mới, trong đó có huyện Plei Kon (nay là huyện Đak Đoa, Gia Lai). Đảng bộ huyện được thành lập đánh dấu bước phát triển lớn mạnh trong phong trào đấu tranh cách mạng, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng cách mạng và phong trào kháng chiến của địa phương.
Trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện kiên trung bám trụ, không quản gian lao, lập nên những chiến công vang dội. Những đồng chí cán bộ trung kiên, những chiến sĩ chiến đấu hy sinh quên mình và đồng bào các dân tộc trong huyện luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng ủng hộ cách mạng cả của cải, tài sản và tính mạng của mình. Tiêu biểu nhất cho thế hệ cán bộ, đảng viên trưởng thành trên quê hương Đak Đoa anh hùng chính là Anh hùng Wừu kiên trung bất khuất.
Đất nước thống nhất, huyện 3 và huyện 6 được sáp nhập thành huyện Mang Yang gồm 46 xã, 269 thôn làng, hơn 60.000 dân, có trên 80% là người dân tộc thiểu số. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện lại tiếp tục bắt tay ngay vào nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, thành lập chính quyền ở các xã, thôn mới giải phóng; giáo dục, cải tạo số tề nguỵ ở địa phương, truy quét bọn tàn quân và giải quyết vấn đề FULRO; tập trung cứu đói, cứu đau và ổn định đời sống nhân dân. Đảng bộ huyện xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của huyện lúc này là chăm lo, đảm bảo cuộc sống lâu dài cho nhân dân, củng cố vững chắc hệ thống chính trị cơ sở, huy động sức người sức của cho chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đập tan các tổ chức phản động, giữ vững thành quả cách mạng.
Làng nghề thổ cẩm truyền thống. Ảnh: Đ.T
Qua hơn 35 năm đất nước thống nhất, với truyền thống đoàn kết và quyết tâm cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã từng bước vượt qua khó khăn đưa sản xuất của huyện từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, hình thành và phát triển các vùng trồng cây công nghiệp tập trung như: Cao su, cà phê, hồ tiêu, bời lời. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, xây dựng tạo tiền đề cho các ngành nghề mới phát triển; kinh tế tăng trưởng bình quân hằng năm trên 15%. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có bước tiến quan trọng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Sau 10 năm chia tách, đến nay, huyện có 16 xã, 1 thị trấn, 156 thôn, làng, tổ dân phố; 21 đảng bộ và 23 chi bộ cơ sở với gần 1.800 đảng viên. Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ (tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng lên 24,5%; thương mại-dịch vụ tăng lên 21,08%; tỷ trọng nông nghiệp còn 54,42%). Kinh tế luôn duy trì được mức độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất bình quân tăng 32,18%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 ước đạt trên 50,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 12 triệu đồng/năm.
Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đ.T
Huyện đã xây dựng và nâng cấp trên 200 km đường giao thông nông thôn, tổng trị giá 28,483 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp 10.465 triệu đồng); nhựa hóa giao thông liên xã, liên thôn từ 104 km lên 299 km. 16/17 xã, thị trấn có trụ sở được đầu tư xây dựng khang trang; trung tâm 17/17 xã, thị trấn đều có hệ thống chiếu sáng ban đêm, 100% thôn làng có điện lưới quốc gia; tất cả các xã, thị trấn đều có đủ cả ba cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Đak Đoa đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, có 2 trường đạt chuẩn quốc gia. 17/17 xã, thị trấn có trạm y tế, 2 trung tâm y tế và 4 cơ sở khám-chữa bệnh quân dân y phục vụ nhân dân trong huyện. Huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,5%.
Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2015:
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 13%/năm.
- Cơ cấu kinh tế huyện đến năm 2015: Nông lâm nghiệp 37%, công nghiệp-xây dựng 31%, thương mại-dịch vụ 32%.
- Tổng sản lượng cây có hạt đến năm 2015: 40.000 tấn.
- Tỷ lệ bò lai 45%.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2015 đạt 115 tỷ đồng.
- Thu nhập bình quân đầu người: 30 triệu đồng/năm.
- Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến lớp 98,5%.
- Tỷ lệ xã, thị trấn có bác sĩ đạt 82%.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm củng cố, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở có sự chuyển biến tích cực; thực hiện đạt kết quả nhiều chỉ tiêu quan trọng nhất là trong công tác kết nạp đảng viên mới và phát triển tổ chức đảng ở các thôn, làng, đến nay toàn huyện có trên 43% thôn, tổ dân phố có chi bộ đảng, tỷ lệ kết nạp đảng viên mới đạt 10%/năm...
Qua 60 năm xây dựng, phấn đấu, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Đak Đoa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba, các tập thể và cá nhân trong huyện được Đảng, Nhà nước trao tặng 5.805 huân, huy chương, bằng khen các loại.
Những thành tích vẻ vang trên đã, đang và mãi mãi sẽ là niềm tự hào để cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đak Đoa vượt lên mọi khó khăn, thử thách để đạt nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Trương Phước Anh (Tỉnh ủy viên- Bí thư Huyện ủy Đak Đoa)


Có thể bạn quan tâm