Trong chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng do Thị ủy Ayun Pa xây dựng, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thị xã Ayun Pa cơ bản trở thành vùng kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Để đạt được điều đó, chỉ riêng lĩnh vực chỉnh trang đô thị ở Ayun Pa đã có nhiều việc phải làm…
Tháng 3-2007, thị xã Ayun Pa chính thức được thành lập theo Nghị định số 50/2007/NĐ-CP của Chính phủ, với diện tích tự nhiên 28.700,5 ha, dân số trên 35 ngàn người, gồm 8 đơn vị hành chính (4 phường và 4 xã). Trong 4 năm qua, bộ mặt của một đô thị trẻ nơi ngã ba sông đã có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế của thị xã từng bước chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông-lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng kinh tế thị xã Ayun Pa bình quân đạt 13,2%/năm.
Một góc thị xã Ayun Pa. Ảnh: Đức Phương |
Tuy vậy, nhìn tổng thể Ayun Pa vẫn chưa xứng tầm với vị thế là đô thị trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực Đông Nam tỉnh. Hiện nay, nền kinh tế của thị xã vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm xây dựng đồng bộ, sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ; các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ngoài Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai là một điểm sáng hiếm hoi thì số còn lại vẫn chỉ là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hoạt động chưa đủ sức tạo bước đột phá thay đổi bộ mặt nền kinh tế địa phương…
Nhằm xây dựng Ayun Pa trở thành đô thị xứng tầm, UBND thị xã Ayun Pa đã phối hợp xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, thị xã sẽ có 11 xã-phường (tăng 3 phường so với hiện nay), dân số khoảng 50.000 người.
Trên lĩnh vực chỉnh trang đô thị, trước hết địa phương ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho xây dựng trường học, trạm y tế (phấn đấu đến năm 2015 có 6 trường học và 2 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia); tập trung nguồn vốn cho một số công trình xây dựng trọng điểm như: Nhà thi đấu thể thao đa năng gắn với quy hoạch xây dựng khu liên hợp thể thao, Trung tâm Hoạt động Thanh-Thiếu nhi, công viên thị xã trên trục đường Phạm Hồng Thái; kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại sân vận động cũ và xây dựng sân vận động mới; lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dọc các trục đường chính… tạo điểm nhấn cho kiến trúc không gian đô thị.
Theo định hướng phát triển không gian đô thị đến năm 2020, lấy khu hành chính làm tâm điểm, thị xã Ayun Pa sẽ phát triển mở rộng theo hai trục phía Tây và Nam gắn với khu dân cư Bình Lợi, giãn dân mở rộng khu vực phường Hòa Bình và phường Cheo Reo giới hạn theo đường vành đai phía Tây thị xã và khu dân cư Bình Hòa (phường Sông Bờ gắn khu du lịch nghỉ dưỡng dọc bờ sông Ba và vành đai đường Đông Trường Sơn).
Được biết, khi xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội thị xã Ayun Pa, các nhà hoạch định đã hướng đến bộ tiêu chuẩn của một đô thị loại III với nhiều dự định tốt đẹp. Tuy nhiên với thị xã có mức thu ngân sách địa phương hàng năm chỉ ở ngưỡng trên 30 tỷ đồng thì để đầu tư xây dựng một công trình hạ tầng có quy mô, xứng tầm trong thời buổi giá cả vật liệu tăng chóng mặt hiện nay không phải là điều dễ dàng. Hiện Cụm Công nghiệp Ia Sao chưa tiến triển, công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vẫn chưa thấy có dấu hiệu khả quan, nhiều hạng mục công trình được xếp vào mức độ ưu tiên số một đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào vào góp vốn làm ăn.
Để có một cú hích thật sự cho đô thị Ayun Pa khởi sắc, ngoài nguồn vốn chính thống, tự thân địa phương cũng phải thay mảnh chiếu hoa vốn đã cũ kia bằng tấm thảm đỏ mượt mà hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Đức Phương