Xây dựng nông thôn mới: Nông dân là người xây dựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XIV) xác định đến năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 45 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (đúng theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới), con số này chiếm 24,19% số xã trong toàn tỉnh.
Để làm được điều này cần có những biện pháp tích cực và sự chỉ đạo điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp. Tỉnh ủy khẳng định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; là cuộc vận động toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; là cơ sở xây dựng tỉnh Gia Lai có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững… Đồng thời cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, đặc biệt là phải thực hiện chủ trương “Mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được hưởng thụ”.
 
Trước tiên “dân phải biết” về cuộc vận động lớn này, muốn vậy không cách gì khác là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân thấu hiểu ý nghĩa, mục đích, nhiệm vụ của mọi người, mọi ngành, trong đó của người dân là chủ yếu- “nội lực của cả cộng đồng dân cư”. Tuy nhiên, hiện nay theo những gì chúng tôi được biết từ cơ sở, nhất là những địa phương được chọn làm điểm cho cuộc vận động thì người dân còn rất lơ mơ về khâu nhận thức, thậm chí có nơi thiết tưởng thực hiện cuộc vận động này sẽ đem lại nhiều công trình, nhiều kinh phí, nhiều cái lợi cho địa phương từ… Trung ương, tỉnh, ngành, coi việc ấy là việc của cấp trên, việc đầu tư là của Nhà nước. Nhiều xã theo quy định thì trong tháng 9-2011 này phải hoàn tất việc tự quy hoạch toàn diện theo hướng dẫn cho chính xã mình để trình ra hội nghị quân dân chính đảng tham gia bàn bạc đi đến thống nhất rồi xin ý kiến người dân sở tại; nhưng rồi vẫn còn nhiều địa phương cho đến thời điểm này chưa làm được hoặc làm chưa xong với lý do “khách quan”?
 
Ảnh: Bích Hà
Thói ỷ lại, trông chờ vào cấp trên còn khá nặng nề trong việc điều hành, quản lý, lãnh đạo của không ít cán bộ cấp cơ sở trên địa bàn của tỉnh. Tình hình này đã được chấn chỉnh sau các chuyến công tác của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh tại các địa phương. Tuy thế, việc chấn chỉnh, xử lý, hướng dẫn cách làm không chỉ đợi từ cấp trên, mà đó chính là nhiệm vụ của “cả hệ thống chính trị”, cả hệ thống này cần vào cuộc, nắm bắt tình hình và tham gia thực hiện, coi đó là “nhiệm vụ trọng tâm” theo nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.
Công việc đầu tiên là khảo sát, rà soát và quy hoạch chừng như còn nhiều nơi ỳ ạch ngay từ cấp xã, như thế thì làm sao người dân có thể đã nghe, đã hiểu, đã biết về một chủ trương lớn. Nông dân là người xây dựng nông thôn mới, điều ấy gần như khẳng định vai trò hàng đầu, chủ thể của cuộc vận động. Một lần nữa thiết nghĩ, cùng với những công việc cụ thể bước đầu triển khai cuộc vận động là cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để bà con nông dân hiểu và biết, xác định vai trò chủ lực của người trong cuộc. Chuyện này cũng một lần nữa khẳng định không chỉ có cấp ủy và chính quyền làm, mà phải là của tất cả các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp… phải bắt tay vào cuộc thật sự bằng nhiều cách tập hợp bà con nông dân theo kiểu của đoàn thể mình mà đem lại hiệu quả cao cho cuộc vận động.
“Đầu xuôi đuôi lọt”, cần lắm những công việc ban đầu được xem xét giải quyết thấu đáo, tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo đà cho cả quá trình thực hiện các bước tiếp sau; được vậy những chỉ tiêu nhiệm vụ của cuộc vận động sẽ hoàn thành theo tiến độ và, nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống!
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm