Đẩy nhanh tiến độ thực thi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã tập trung chỉ đạo thực hiện lộ trình 7 bước theo quy định. Tuy nhiên, đi cùng quy trình thực hiện đã nảy sinh những khó khăn rất cần các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, chính trị và quốc phòng-an ninh thông qua các chỉ tiêu phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực. Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2010 đến 2020. Quy mô triển khai trên phạm vi cả nước. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Ảnh: Đức Thụy |
Đến nay, 17 huyện, thị xã, thành phố thành lập xong Ban Chỉ đạo cấp mình. Riêng cấp xã đã có 142/186 xã thành lập Ban chỉ đạo, 121/186 xã thành lập Ban Quản lý chương trình; 106/186 xã thành lập Ban giám sát (tính theo số xã cũ, chưa chia tách). Cấp tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối Chương trình. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành; phê duyệt 45 xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Mở lớp tập huấn hướng dẫn phương pháp rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn; lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã; tổng hợp đề án nông thôn mới cấp huyện cho đội ngũ cán bộ tham gia triển khai chương trình nông thôn mới.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch, các địa phương đều thành lập tổ công tác giúp Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã thực hiện rà soát xây dựng quy hoạch. Đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiến độ thực hiện diễn ra đúng trình tự các bước của quy trình xây dựng nông thôn mới. Dù kết quả đạt được giữa các địa phương chưa đồng bộ; song từ cấp tỉnh, huyện, xã đã làm xong phần nội dung tuyên truyền chương trình này đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ vậy, chương trình được nhân dân đồng thuận cao.
Và những vấn đề đặt ra
Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 phải huy động nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó huy động cộng đồng dân cư đóng góp 10%. Phần lớn công tác xây dựng quy hoạch, đề án trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội do chính quyền cấp xã đảm nhiệm, chính vì vậy khi cụ thể hóa quy định trên vào thực tiễn nhiều địa phương đã gặp khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pah (Gia Lai)-ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng điều kiện kinh tế-xã hội các xã khác nhau, nhất là nguồn thu nhập của nông dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc huy động nguồn vốn nhân dân đóng góp với vốn Nhà nước để cùng xây dựng nông thôn mới là rất khó.
Điển hình, để hoàn thành tiêu chí nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, việc chính quyền địa phương vận động nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường không khó; song vận động nhân dân đóng góp tiền để làm đường lại rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 800/QĐ-TTg quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới do UBND xã chủ trì triển khai quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội-môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã. UBND xã là cấp giữ vai trò chủ công thực hiện xây dựng đề án và tổ chức thực hiện nội dung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và một số đề án liên quan đến lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pưh-ông Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: Cái khó khi thực hiện phần việc này chính là thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ cấp xã hiện nay chưa đủ khả năng đảm nhiệm công việc xây dựng quy hoạch, đề án mà Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra. Còn nếu địa phương thuê đơn vị tư vấn lại không đủ kinh phí chi trả. Khó khăn mà lãnh đạo huyện Chư Pah và Chư Pưh nêu ra đang là khó khăn chung của hầu hết các địa phương hiện nay.
Ngoài ra, vấn đề kinh phí triển khai một số nội dung xây dựng nông thôn mới cũng đang gặp khó khăn. Ông Nê Y Kiên-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Chư Pah nói: Đào tạo, tập huấn là phần việc quan trọng giúp cho đội ngũ cán bộ nắm vững kiến thức, chính sách và quy trình thực hiện để áp dụng vào thực tiễn, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả công việc. Thế nhưng, theo kế hoạch phân bổ vốn thực hiện chương trình này của UBND tỉnh thì nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của cấp huyện, cấp xã phải chờ phân bổ sau đã làm hạn chế sự chủ động triển khai công việc tại địa phương. Liên quan đến vấn đề kinh phí-theo Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là do Trung ương chậm ban hành hướng dẫn phân bổ vốn, nên tiến độ triển khai chương trình chậm. Tiếp nữa, trong quá trình rà soát đánh giá tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa có hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn về phương cách lồng ghép các chương trình, dự án thuộc các chương trình khác đã đầu tư trên địa bàn nên địa phương rơi vào sự lúng túng, bị động.
Đặc biệt, nội dung quy hoạch nông thôn được xác định là nền tảng thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; song việc thực hiện quy hoạch nông thôn mới hiện nay lại đang bị vướng thực tế quy hoạch ngành, quy hoạch cấp huyện chưa được phê duyệt hoặc bổ sung như quy hoạch: Thủy lợi, cây cao su; sử dụng đất nông nghiệp… Do vậy tiến độ quy hoạch nông thôn mới diễn ra chậm.
Quang Văn