Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật được coi là ưu tiên hàng đầu để hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động.
Tại các phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng thể chế, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. |
Hoạt động thực tiễn cho thấy, việc thúc đẩy nhanh, hiệu quả hay làm chậm, cản trở quá trình phát triển đất nước trước hết là từ thể chế, pháp luật. Do vậy, xây dựng và thực thi pháp luật có vị trí rất quan trọng góp phần huy động tốt mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được kiện toàn, với phương châm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân, trong các phiên họp Chính phủ thường kì tháng 4, tháng 5-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác xây dựng thể chế, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật.
Thủ tướng đề nghị, cần kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ đọng gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, nhất là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và thảo luận thông qua các dự án luật, pháp lệnh cụ thể.
Theo đó, năm 2016, Chính phủ đã trình Quốc hội 13 dự án Luật, 8 luật đã được thông qua. Tính đến tháng 11, các Bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành gần 160 nghị định để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ, tiền lương và trợ cấp xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo rất cố gắng quy định cụ thể, hạn chế tình trạng luật khung, luật ống. Từ đó giảm số lượng văn bản phải quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.
“Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết có chuyển biến rõ rệt. Đến thời điểm này giảm còn 3 văn bản nợ đọng gồm 2 Nghị định và 1 Quyết định. Đối với công tác thẩm định, đến tháng 11 đã thẩm định được 289 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt trong việc phục vụ doanh nghiệp, đã thẩm định được chùm 50 Nghị định về đầu tư kinh doanh. Trong đó đã đề cập đến việc cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép con, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra hơn 2.600 văn bản của các Bộ, ngành, địa phương, phát hiện 114 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền; đã thông báo, kiến nghị xử lý đối với 110 văn bản. Hiện nay, đã có 33 văn bản được xử lý, các văn bản còn lại đang được theo dõi, đôn đốc xử lý theo quy định của pháp luật. Song, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, chất lượng nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa đạt yêu cầu, thiếu khả thi.
Không khó để chỉ ra những văn bản luật ban hành đã trở nên lạc lõng với đời sống thực tế. Thậm chí có Luật vừa ban hành, chưa có hiệu lực thi hành đã phát hiện có những điểm bất hợp lý, không khả thi và bị đối tượng chịu sự tác động phản ứng lại. Cũng có Luật ban hành rồi nhưng do các điều khoản trong luật khá chung chung, nhiều nội dung không thi hành được do thiếu các văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư xảy ra không phải ít trên thực tế. Có những Thông tư khi về đến địa phương lại có thêm những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện… Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện vẫn còn 21 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, pháp lệnh chưa được ban hành. Điều này lý giải vì sao Luật chậm đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu nhận định, năm 2016 nổi lên nhiều vấn đề là rất nhiều Luật, chính sách ban hành nhưng không đi vào cuộc sống được. Nhiều luật chồng chéo như Luật đầu tư công, Luật xây dựng… rất khó khăn cho địa phương, cơ sở và doanh nghiệp trong triển khai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do cách xây dựng thể chế và sự phối hợp trong xây dựng Luật, Bộ nào cũng mới chỉ có cơ quan chủ trì là chính.
Phát biểu tại phiên họp tổng kết công tác của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế, pháp luật nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, trong năm tới, cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng thể chế, pháp luật, khắc phục cho được tình trạng xin lùi hoặc rút dự án Luật ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; khắc phục tình trạng luật ống, luật khung hay những Thông tư, Nghị định được ban hành không sát thực tế.
“Việc xây dựng thể chế phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thông qua việc nhận phản ánh, thông tin của xã hội, qua kiến nghị của cử tri, qua phản ánh của doanh nghiệp, thông tin báo chí, công tác kiểm tra nắm tình hình của bộ máy nhà nước. Từ đó, chúng ta đánh giá những vấn đề thực tiễn đặt ra để thiết kế về chính sách. Có thiết chế chính sách phù hợp với yêu cầu thì từ đó mới đề ra đề cương, trưng cầu ý kiến, đánh giá tác động. Làm thế nào để Luật, văn bản hướng dẫn đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn”-Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật được coi là ưu tiên hàng đầu để loại bỏ những quy định thiếu minh bạch, gỡ bỏ rào cản, giải phóng các nguồn lực, hướng tới xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính. Muốn đạt được mục tiêu đó, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan cần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, bảo đảm tính khả thi và hợp lý, dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho người dân nhưng đồng thời phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo VOV