Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Xe đạp lính…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những chiếc xe đạp ngày càng vắng bóng trên các con phố, nhưng thật ngạc nhiên, tại một số đơn vị thuộc Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), xe đạp vẫn hiện hữu và trở thành phương tiện không thể thay thế trong một số nhiệm vụ.

“Người bạn” của lính quân bưu

Xã hội ngày càng phát triển, các phương tiện hiện đại dần thay thế xe đạp nhưng riêng với những chiến sĩ quân bưu thì xe đạp vẫn là phương tiện hữu dụng, chưa thể thay thế. Nhất là khi các đơn vị đang hướng đến việc xây dựng chính quy thì xe đạp lại càng phát huy tốt vai trò (vì khi đó, xe máy sẽ không được sử dụng để chạy trong khuôn viên doanh trại).

 

Chiến sĩ Trần Ngọc Tình chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: A.H
Chiến sĩ Trần Ngọc Tình chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: A.H

Nhận nhiệm vụ chuyển công văn, chỉ thị từ Sư đoàn xuống các Trung đoàn, Tiểu đoàn trực thuộc gần 7 tháng qua nên mỗi ngày, bất kể nắng hay mưa, chiến sĩ Trần Ngọc Tình (Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) đều bon bon trên chiếc xe đạp với chặng đường chừng 10 km. “Công việc của người lính quân bưu luôn đòi hỏi sự kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn, vì vậy, tụi em luôn xác định phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất”-chiến sĩ Trần Ngọc Tình chia sẻ.

Mới đầu, không ít người đã nhận xét rằng, công việc của chiến sĩ quân bưu rất nhẹ nhàng, đơn giản. Nhưng thực chất, công việc này lại đòi hỏi người lính phải có sức khỏe dẻo dai và khả năng thích ứng cao. Bởi vì có những ngày, chiến sĩ quân bưu phải đạp xe liên tục nhiều giờ liền để có thể nhanh chóng đưa công văn xuống các đơn vị, kịp thời triển khai công việc. Hơn nữa, đây là công việc không quy định rõ ràng về giờ giấc, do đó cả người lính và chiếc xe lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng để khi có nhiệm vụ là lên đường. Chiến sĩ quân bưu Vũ Chiến Thắng-Đại đội 18 (Trung đoàn 48, Sư đoàn 320), tâm sự: “Chặng đường xa nhất mà em đã đi là 26 km cả đi lẫn về với hơn 2 giờ đồng hồ đạp xe liên tục”. So với Trần Ngọc Tình thì tuyến đường của Vũ Chiến Thắng có phần vất vả hơn. Vì ngoài đưa công văn từ Trung đoàn lên đến Sư đoàn, Thắng còn phải chuyển công văn, giấy tờ xuống một số xã ở khá xa đơn vị như Hà Bầu (huyện Đak Đoa). “Có những hôm trời nắng, đường xa phải đạp xe liên tục nhiều giờ liền hoặc có lúc xe đứt thắng, thủng xăm phải dắt bộ nhiều cây số mới tìm được nơi sửa… Vất vả một chút nhưng cũng rất vui, có nhiều hôm đang đi trên đường được bà con “chào chú bộ đội!”-chiến sĩ Vũ Chiến Thắng phấn khởi.

Nói về vai trò của chiếc xe đạp trong thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá Đinh Ngọc Tới-Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, khẳng định: “Nhờ chiếc xe đạp mà nhiều công văn, tài liệu từ Sư đoàn đã được chuyển đến các đầu mối một cách đầy đủ, kịp thời và an toàn”. Cũng theo Thiếu tá Đinh Ngọc Tới, hiện nay trong Sư đoàn còn 2 bộ phận sử dụng xe đạp, đó là quân bưu và vận tải phục vụ cho ngành tải bộ. Tuy nhiên, xe đạp phục vụ cho ngành tải bộ chỉ sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ cần thiết, còn bình thường không sử dụng.

Niềm tự hào riêng có

Dường như, ai cũng từng một thời gắn bó với xe đạp và có ít nhiều kỷ niệm với nó. Nhưng chắc hẳn sẽ ít ai nghĩ rằng, sau này sẽ làm một công việc nào đó mà thường xuyên phải gắn bó với chiếc xe đạp, nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay. Hai chiến sĩ Trần Ngọc Tình và Vũ Chiến Thắng cũng không ngoại lệ. Đến khi trở thành chiến sĩ quân bưu, rồi lại được biên chế hẳn một chiếc xe đạp-chỉ người lính quân bưu mới có-cả Tình và Thắng đều thấy “oách” vô cùng. Vì vậy, ngoài những giờ làm nhiệm vụ, cả hai đều dành thời gian để chăm sóc, bảo dưỡng cho xe. “Mỗi tuần, em đều dành ra một buổi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật để lau chùi, kiểm tra xe. Đây vừa là cách để gìn giữ xe vừa bảo đảm cho công việc và tính mạng của bản thân trong các chuyến công tác xa. Nhiều chiến sĩ khác thấy em chăm sóc xe quá thường xuyên còn chọc ghẹo “mày chăm sóc xe như chăm sóc người yêu ấy nhỉ!”-chiến sĩ Trần Ngọc Tình vui vẻ.

Gắn bó với xe mỗi ngày nên chẳng biết từ khi nào, cả hai đã coi xe như một người bạn thân thiết, người đồng hành đáng tin cậy. Thậm chí, cả hai còn trở thành những thợ sửa chữa xe bất đắc dĩ. Bên cạnh công văn, giấy tờ cần chuyển đi, những chiến sĩ quân bưu còn luôn mang theo dụng cụ sửa chữa cần thiết để có thể tự khắc phục trong những trường hợp xe bị hư hỏng, thủng xăm dọc đường… “Giờ chỉ cần lên xe, nghe những tiếng động phát xe từ xe cũng có thể bắt được “bệnh” của nó”-chiến sĩ Vũ Chiến Thắng tự hào khoe.

Khi tôi hỏi: “Phải thường xuyên chuyển công văn bằng xe đạp đến các đơn vị ở xa thì có mệt không?”. Chiến sĩ Vũ Chiến Thắng cười: “Quy định trong quân đội rồi mà chị, chiến sĩ thì không được đi xe gắn máy! Hơn nữa, đi xe đạp cũng có sự thú vị riêng. Đi chậm, mình vừa rèn luyện sức khỏe vừa có thời gian chững lại để cảm nhận cuộc sống và mọi thứ xung quanh rõ ràng hơn”.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm