(GLO)- Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, những năm gần đây, số lượng xe ô tô trên địa bàn tỉnh ta cũng tăng nhanh. Thực tế đó đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy mà chính quyền phải giải quyết rất khó khăn.
Số lượng xe ô tô tăng nhanh
Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, tính đến cuối tháng 2-2013, toàn tỉnh có 20.017 xe ô tô đăng ký lưu hành, trong đó có 7.221 ô tô con, 1.162 xe khách, 11.105 xe tải, 199 xe chuyên dùng và 330 phương tiện khác. So với cùng thời điểm năm 2012, tổng số xe ô tô toàn tỉnh tăng 1.984 chiếc.
Lượng xe ô tô trên địa bàn TP. Pleiku ngày càng nhiều. Ảnh: Tiến Dũng |
Trong đó, xe ô tô con tăng mạnh nhất (1.008 chiếc), kế đó là xe tải (tăng 927 chiếc), xe khách (tăng 27 chiếc). Nếu so với cùng thời điểm tháng 1-2013, xe ô tô con tăng 97 chiếc, xe tải tăng 71 chiếc, xe khách tăng 12 chiếc. Tuy nhiên, theo số liệu của ngành Công an thì tổng số xe ô tô đang quản lý lên đến 25.526 chiếc. Nguyên nhân của sự chênh lệch giữa 2 ngành là do một lượng lớn ô tô không đăng kiểm, xe thuộc diện hết hạn nhưng vẫn lưu hành hoặc không còn tồn tại nhưng chủ phương tiện không làm thủ tục “khai tử”…
So với các tỉnh trong khu vực, Gia Lai nằm ở tốp đầu về lượng cũng như về chất phương tiện ô tô. Vài năm gần đây, nhiều gia đình có điều kiện khá giả đua nhau mua sắm xe ô tô con, trong đó phần nhiều là loại đời mới đắt tiền. Cùng với xe cá nhân, sự ra đời và mở rộng quy mô hoạt động của các hãng taxi cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng số đầu phương tiện. Nếu xe ô tô con đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cá nhân thì sự gia tăng của xe tải thể hiện sự năng động của nền kinh tế.
Theo đó, lượng xe tải chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển nông-lâm sản, hàng tiêu dùng và phục vụ hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn. Bên cạnh sự gia tăng nhanh chóng về số lượng đầu xe, cũng như số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách thì chất lượng phương tiện được hành khách đánh giá cao.
Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyễn Hữu Quế cho biết: Hiện nay hầu hết xe khách của Gia Lai lưu thông trên tuyến Pleiku-TP. Hồ Chí Minh đa phần là xe giường nằm và có niên hạn sử dụng 5 năm trở lại. Nhiều nhà xe còn đầu tư lắp đặt camera theo dõi các hoạt động trên xe, thiết bị giám sát hành trình và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Những hệ lụy…
Xe ô tô bị ùn tắc tại đèo Mang Yang. Ảnh: Vĩnh Hoàng |
Tại Hội nghị bàn giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đối với dịch vụ vận tải do Công an tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu thừa nhận: Sự gia tăng số phương tiện giao thông đặt ra hàng loạt vấn đề phức tạp về xã hội.
Thời gian qua, sự gia tăng lượng xe ô tô nói riêng, phương tiện giao thông đường bộ nói chung đã tạo áp lực đáng kể đối với hệ thống hạ tầng giao thông. Hiện nay, các tuyến quốc lộ 14, 25, 19 vốn đã xuống cấp nhưng hàng ngày phải oằn mình “chịu trận” hàng trăm lượt xe khách, xe tải (nhiều trường hợp chở quá tải, quá khổ); trong khi đó kinh phí bảo dưỡng lại “nhỏ giọt”, kinh phí nâng cấp mở rộng thường chậm và bị cắt bởi nhiều lý do.
Riêng tại TP. Pleiku, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là quy hoạch nơi đậu đỗ xe ô tô. Có lẽ vì quá bức xúc nên thời gian qua chính quyền thành phố tạm thời quy hoạch một số đoạn đường làm nơi đậu đỗ ô tô. Giải pháp tình thế là vậy, song trong tương lai, với sự gia tăng nhanh chóng lượng xe ô tô như hiện nay thì không thể làm như vậy.
Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp trong thời gian qua có nguyên nhân từ sự gia tăng quá “nóng” về phương tiện. Đó là hiện nay trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm xe ô tô các loại hoạt động trôi nổi (xe không đăng kiểm, xe thuộc diện hết hạn sử dụng), hệ số an toàn rất thấp. Bên cạnh đó, công tác kiểm định xe, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe vẫn còn bất cập, chưa theo kịp với thực tế cuộc sống…
Có thể nói, việc gia tăng quá “nóng” xe ô tô trong thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy phức tạp. Thực tế ấy đòi hỏi các ngành chức năng của tỉnh cần có sự đầu tư, quản lý, kiểm tra, kiểm soát đúng mức và chặt chẽ đối với lĩnh vực này.
Duy Lê
Liên quan đến hoạt động giao thông-vận tải trên địa bàn TP. Pleiku, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Công Lự chỉ đạo: Ủy ban Nhân dân TP. Pleiku chủ trì phối hợp với các sở: Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông-Vận tải xem xét, bố trí quỹ đất quy hoạch các bãi đỗ xe tải, xe bán tải trên địa bàn thành phố để đáp ứng đậu đỗ xe về lâu dài. Ủy ban Nhân dân TP. Pleiku lập phương án đề xuất việc di dời bến xe nội thành tại đường Nguyễn Thiện Thuật để bố trí chợ nông sản, chợ trái cây…; phối hợp với Sở Giao thông-Vận tải làm việc với Bến xe Đức Long Gia Lai để bố trí vị trí đậu, đỗ ở Bến xe Đức Long Gia Lai. Nguồn: Thông báo số 42/TB-UBND ngày 20-5-2013 của UBND tỉnh |