Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phiên xử dự kiến kéo dài 50 ngày. Chủ tọa phiên toà là thẩm phán Phạm Lương Toản – Chánh toà Hình sự TAND TP HCM.

Sáng 5-3, TAND TP HCM bắt đầu phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956; Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Chu Lập Cơ (SN 1956; chồng bà Trương Mỹ Lan) cùng 84 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan (gọi tắt là vụ án Vạn Thịnh Phát).

Bảo đảm công tác an ninh cho phiên xét xử

Trong 86 bị cáo bị truy tố, có 70 người bị tạm giam, 11 người được tại ngoại và 5 người đang bị truy nã. Những người đã bỏ trốn là các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB, bị đưa ra xét xử vắng mặt gồm Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Chiêm Minh Dũng, Trầm Thích Tồn, Nguyễn Lâm Anh Vũ.

TAND TP HCM chuẩn bị phòng xét xử chiều 4-3

VKSND Tối cao truy tố các bị cáo về 7 tội danh. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.

45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Hồ sơ vụ án thể hiện, mặc dù không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng bị cáo Trương Mỹ Lan nắm cổ phần từ 85-91,5% nên chi phối, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này từ khi hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Đồng thời, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (gồm hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước).

VKSND Tối cao đánh giá bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của Ngân hàng, hoạt động đúng đắn của Cơ quan Nhà nước, trong đó nhiều tội phạm được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Trong đó, từ ngày 1-1-2012 đến ngày 31-12-2017, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây hậu quả thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền hơn 64.621 tỉ đồng. Từ ngày 9-2-2018 đến ngày 7-10-2022, bị cáo Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại số tiền 129.372 tỉ đồng.

Cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng nhận 390.000 USD

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, các bị cáo là cán bộ cơ quan Thanh tra giám sát thuộc NHNN đã nhiều lần nhận tiền, quà biếu của ngân hàng này để thực hiện những hành vi sai phạm. Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra NHNN) đã nhận 390.000 USD.

Với vai trò Phó Chánh thanh tra NHNN, bị cáo Nguyễn Văn Hưng trực tiếp chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn Thanh tra; cựu Cục Trưởng Cục Thanh tra giám sát II) lập, chỉnh sửa các báo cáo của Đoàn Thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra.

Các thành viên còn lại của Đoàn thanh tra có vai trò thực hiện, đồng ý theo ý kiến chỉ đạo, đã bao che sai phạm của SCB lên lãnh đạo NHNN và Chính Phủ; ra Kết luận thanh tra theo hướng: Không đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; Không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; Ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế (vi phạm Điều 7, Điều 13 Luật Thanh tra), dẫn tới không kịp thời ngăn chặn để bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của Ngân hàng SCB trái pháp luật.

Từ đó, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là thiệt hại hơn 514.102 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm