(GLO)- Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến phiên tòa xét xử 2 cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và đồng bọn về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng. Có lẽ trong lịch sử tố tụng nước ta, chưa bao giờ lại có đến 92 bị cáo ra tòa cùng lúc như phiên tòa này. Điều đó cho thấy, để vụ đánh bạc bằng công nghệ cao được đưa ra ánh sáng là một khó khăn rất lớn đối với các cơ quan tố tụng. Nhưng khó mấy cũng phải xử. Xử để trả lại niềm tin vào pháp luật cho nhân dân.
Việc khởi tố, bắt giam cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa về hành vi đánh bạc, tổ chức, bảo kê đánh bạc được nhiều người gọi là một “cơn rung chấn” mạnh trong xã hội. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi mấy hôm nay, tin tức về phiên tòa xét xử ông Vĩnh, ông Hóa được xem là “hot” nhất trên các phương tiện truyền thông.
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ Phan Văn Vĩnh (ảnh nguồn VIE) |
Nói như vậy là bởi, không giống những người vi phạm pháp luật thuộc hàng quyền cao chức trọng khác, ông Vĩnh, ông Hóa được xác định vi phạm pháp luật ở ngay cái chỗ mà thường ngày các ông còng chiếc còng số 8 vào tay bọn tội phạm. Ai ngờ bây giờ, chiếc còng ấy lại vận vào tay các ông.
Từng là Giám đốc Công an một tỉnh, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Quốc hội, thân mang hàm Trung tướng, đứng đầu Tổng cục Cảnh sát-cơ quan đấu tranh phòng-chống tội phạm quan trọng của Bộ Công an, thế mà ông Phan Văn Vĩnh bị đồng tiền quật ngã. Ông Hóa cũng vậy. Từ một cán bộ Công an có thành tích ở địa phương, con đường thăng tiến hanh thông, nắm giữ một Cục quan trọng trong việc phòng-chống tội phạm công nghệ cao, vậy mà vì hám tiền, tướng Thanh Hóa đã thành “tha hóa”.
Việc ông Vĩnh, ông Hóa bị khởi tố, bắt tạm giam và xét xử trước tòa là một mất mát rất lớn không chỉ cho cá nhân, gia đình các ông mà còn ảnh hưởng đến uy tín của ngành Công an. Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may. Đây sẽ là cơ hội để ngành Công an làm trong sạch bộ máy, loại ra khỏi ngành những người không đủ tư cách khoác lên mình bộ trang phục Công an nhân dân.
Ngay sau khi ông Vĩnh, ông Hóa bị bắt, Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện gửi Công an các đơn vị, địa phương yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm, suy thoái trong lực lượng Công an, khẳng định tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để chấn chỉnh, trong sạch hóa đội ngũ.
Tiếp sau ông Vĩnh và ông Hóa, thời gian qua, hàng loạt Thiếu tướng, Trung tướng của ngành Công an cũng đã bị kỷ luật, bị hạ quân hàm, mất ghế vì liên quan đến Vũ “Nhôm” và một số vụ án khác. Đó là hậu quả tất yếu của việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng mà thừa nhu cầu hưởng thụ, thừa lòng tham tiền bạc, xe hơi, biệt thự.
Chỉ có lấy bản lĩnh làm gốc rễ cho phẩm hạnh, người chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo mới đứng vững trước sự cám dỗ của tiền tài, mới không sa vào mưu hèn kế bẩn, không bị “đánh cắp” nhân phẩm, đạo đức con người. Không chuyên tâm rèn luyện, tu dưỡng, không giữ được bản lĩnh, phản bội lại lời hứa với Đảng, với dân thì dù có đọc thuộc làu những lời thề danh dự của ngành Công an, phỏng có ích gì!
Người dân đồng tình khi thấy rằng, quan điểm “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đã trở thành hiện thực. Và cũng thấy rằng, một vài bàn tay không thể che nổi cả bầu trời.
Tội trạng ông Vĩnh, ông Hóa thế nào sẽ được Tòa án quyết định. Nhưng với bản cáo trạng dài đến 235 trang, phải đọc trong 2 ngày, chắc chắn tội trạng của ông cũng không hề nhỏ. Việc xét xử ông Vĩnh, ông Hóa đã tạo nhiều hiệu ứng tích cực và được dư luận quan tâm, đồng thuận, tin tưởng vào sự nghiêm minh của nền pháp luật nước nhà.
Nguyễn Vân