(GLO)- Gia đình bà Võ Thị Xô (tổ dân phố 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) có đến 10 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin gồm 6 người con (4 người đã mất) và 4 đứa cháu nội, ngoại.
Bà Xô nay đã ngoài 70 tuổi nhưng chưa lúc nào được ngơi nghỉ. Chồng mất sớm, mọi việc chăm sóc cho con, cháu đè nặng lên đôi vai bà. Người con trai út lành lặn trở thành trụ cột của gia đình khi phải làm thuê đủ nghề từ hái cà phê, nhặt ve chai, làm cỏ… để kiếm tiền chữa bệnh cho con, cháu bị nhiễm chất độc da cam.
Bà Võ Thị Xô cùng con dâu chăm sóc 2 cháu bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh: L.H.H |
Bà Xô cho biết, vợ chồng bà cưới nhau năm 1967 và sinh được 10 người con, trong đó có 4 người con khi vừa sinh ra đã bị tật nguyền, chân tay biến dạng, nuôi được vài tháng thì mất. Trong số 6 người con còn sống, hiện có 2 người con trai cũng bị nhiễm chất độc da cam là anh Nguyễn Sỹ (SN 1972) và Nguyễn Xá (SN 1974).
Bà Võ Thị Xô nghẹn ngào cho biết: “Mệ đi ra ngoài ai cũng bảo mệ vui tính chứ về nhà mệ buồn lắm. Ôi chao bữa hôm giỗ ba nó, mấy cô dì, chú lên nhà ăn giỗ, anh em hắn lên cơn co giật cầm gậy rượt đuổi làm mọi người chạy tán loạn. Hàng xóm xung quanh có bao giờ họ đến nhà chơi đâu, họ sợ, cứ nhìn thấy có người lạ tới là mấy anh em nó vác gậy đuổi đòi đánh”.
Năm 2001, chị Nguyễn Thị Xoa-con gái của bà Xô lập gia đình và sinh được 2 người con nhưng rồi 2 cháu cũng bị dị tật, chân tay teo tóp, thiểu năng trí tuệ. Chị Xoa nhiều lần vay mượn tiền để đưa con đến bệnh viện chữa trị nhưng bác sĩ chẩn đoán các cháu bị nhiễm chất độc da cam với các triệu chứng thiểu năng trí tuệ, bại não, động kinh.
Năm 2011, cậu con trai út Nguyễn Hữu Voa lập gia đình và sinh đứa con trai đầu lòng nhưng rồi niềm vui sướng lại bị dập tắt khi cháu Nguyễn Hữu Nam cũng có các triệu chứng như chân, tay co rút, thiểu năng trí tuệ, dị tật não bẩm sinh. Năm 2013, vợ anh Voa sinh thêm một cháu gái là Nguyễn Thị Khả Hân cũng có triệu chứng như đứa con đầu. Năm 2017 hạnh phúc mới mỉm cười với cả gia đình khi vợ anh Voa sinh được một bé trai khỏe mạnh, lành lặn.
Chị Cầm Thị Ngân, vợ anh Voa, rưng rưng nước mắt: “2 đứa con đầu của tôi từ khi sinh ra đến giờ chỉ nằm một chỗ. Mỗi khi cho cháu ăn phải mất cả tiếng đồng hồ, lâu lâu mới được một miếng, cứ ngậm mãi trong miệng”.
Hiện nay, cuộc sống gia đình bà Võ Thị Xô vô cùng khó khăn, mọi sinh hoạt chi tiêu hàng ngày chỉ phụ thuộc vào 400 gốc cà phê, sau mỗi mùa vụ trừ các khoản chi phí cũng không đủ trả nợ. Vì mẹ tuổi già sức yếu nên cậu con trai út là Nguyễn Hữu Voa phải chạy ngược xuôi làm thuê, làm mướn đủ nghề nhưng cũng không đủ tiền phụ giúp gia đình.
Mọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức hảo tâm xin vui lòng gửi về địa chỉ: bà Võ Thị Xô, tổ dân phố 10, thị trấn Chư Sê huyện Chư Sê; Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê, số 797 Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, ĐT: (0269) 3516246-0905851117 hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
Lê Huy Hoàng