Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Xu hướng nhạc Việt 2025: Gameshow âm nhạc tiếp tục 'thống trị'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhạc Việt 2025 được dự đoán sẽ bùng nổ với nhiều màu sắc âm nhạc đa dạng, sau hiệu ứng của "Anh trai vượt ngàn chông gai" và "Anh trai say hi".

Năm 2025 hứa hẹn sẽ là bức tranh đa sắc màu với sự bùng nổ của các gameshow mới, xu hướng âm nhạc dân gian được làm mới và sự đổ bộ của hàng loạt concert hoành tráng, chất lượng cao.

Đặc biệt, dư âm từ thành công của hai chương trình Anh trai say hiAnh trai vượt ngàn chông gai vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng, định hình nhiều xu hướng cho năm 2025.

Chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai".

Nhạc Việt 2025 bùng nổ làn sóng nghệ sĩ trẻ

Gameshow âm nhạc tiếp tục chứng tỏ sức hút khó cưỡng, là "mảnh đất màu mỡ" cho các nhà sản xuất và nghệ sĩ khai thác. Bên cạnh những chương trình quen thuộc, năm 2025 chào đón sự xuất hiện của nhiều gameshow mới với format độc đáo, hướng đến đa dạng đối tượng khán giả.

Tiếp nối thành công của Anh trai say hi, chương trình Em xinh say hi được kỳ vọng sẽ tạo nên một làn sóng mới, tập trung vào các nữ nghệ sĩ. Chương trình hứa hẹn mang đến những màn trình diễn sôi động, những ca khúc bắt tai và những câu chuyện hậu trường thú vị về cuộc sống và sự nghiệp của các nghệ sĩ. Sự kết hợp giữa âm nhạc, vũ đạo và yếu tố giải trí được dự đoán sẽ tiếp tục "thống trị" các bảng xếp hạng và mạng xã hội. Em xinh say hi dự kiến sẽ lên sóng vào mùa hè 2025.

Chương trình "Em xinh say hi" dự kiến sẽ lên sóng vào mùa hè 2025.

Năm 2025, thị trường gameshow âm nhạc tiếp tục chứng kiến sự đổ bộ của những format mới mẻ, trong đó nổi bật là Show It All. Khác với những chương trình tìm kiếm tài năng đơn thuần, Show It All hướng đến việc đào tạo và phát triển toàn diện những nghệ sĩ trẻ đa năng. Chương trình không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm giọng hát hay hay vũ đạo đẹp mà còn chú trọng đến việc trang bị cho thí sinh những kỹ năng cần thiết để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, có khả năng "chinh chiến" trên nhiều lĩnh vực.

Điểm đặc biệt của Show It All nằm ở quy trình đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Các thí sinh sẽ được "mài giũa" bởi đội ngũ chuyên gia hàng đầu, bao gồm cả những nghệ sĩ gạo cội trong giới. Chương trình không giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể, mà mở rộng ra nhiều loại hình biểu diễn như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, biểu diễn xiếc… Điều này tạo cơ hội cho các thí sinh được thể hiện hết khả năng của mình và khám phá những tiềm năng mới.

Show It All không chỉ là một cuộc thi mà còn là một "lò luyện" nghệ sĩ thực thụ, nơi những tài năng trẻ được "lột xác" và tỏa sáng. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến một làn gió mới cho thị trường âm nhạc Việt Nam, góp phần tạo nên một thế hệ nghệ sĩ đa năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả.

Dân gian "lên ngôi"

Một trong những điểm nhấn quan trọng của thị trường âm nhạc năm qua, đặc biệt thông qua Anh trai vượt ngàn chông gai, là sự trỗi dậy mạnh mẽ của âm nhạc dân gian được hòa phối và làm mới.

Những tiết mục như Trống cơmMẹ yêu con là minh chứng rõ ràng. Trống cơm, một bài đồng dao quen thuộc, đã "gây sốt" khi đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng âm nhạc thịnh hành của YouTube, một thành công hiếm có cho một tác phẩm khai thác chất liệu dân gian.

Ca khúc "Mẹ yêu con" trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" thu hút hơn 10 triệu lượt xem.

Thành công của Đào liễuDạ cổ hoài lang cũng cho thấy sức hút của việc làm mới các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, giúp khán giả, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận và hiểu hơn về văn hóa dân tộc. NSND Tự Long nhấn mạnh: "Nếu muốn các bạn trẻ tìm về với âm nhạc, giá trị cội nguồn thì bản thân âm nhạc đó cũng phải đặc biệt và hấp dẫn".

Xu hướng này được dự đoán sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2025. Các nghệ sĩ ngày càng chú trọng khai thác chất liệu dân gian, kết hợp với các yếu tố âm nhạc hiện đại như pop, rock, điện tử, hiphop… để tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa gần gũi với giới trẻ.

Chia sẻ với Báo điện tử VTC News, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự tiếp nối và phát huy giá trị nghệ thuật từ thế hệ trước, đồng thời bảo tồn và phát triển di sản âm nhạc truyền thống.

Trước đó, nhiều nghệ sĩ như Hoàng Thùy Linh, Thu Phương, Dương Hoàng Yến, Hòa Minzy, Đức Phúc...và mới đây là chị đẹp Kiều Anh với bản mashup Phong nữ - Cô đôi thượng ngàn.

Kiều Anh gây sốt với bản với bản mashup "Phong nữ - Cô đôi thượng ngàn".

“Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ K-pop và nhạc giải trí Trung Quốc, các nhà sản xuất âm nhạc và nghệ sĩ đã nhận thấy nhu cầu tìm kiếm những sáng tạo và nét mới trong âm nhạc của khán giả.

Vì vậy, họ đã tìm đến những giá trị tưởng chừng quen thuộc nhưng lại mới mẻ đối với giới trẻ: đó chính là giá trị truyền thống. Các nghệ sĩ trẻ đã khai thác và làm mới tinh thần, màu sắc và chất liệu âm nhạc của mình bằng nhiều cách. Họ không chỉ khai thác chất liệu âm nhạc dân gian mà còn tìm đến các yếu tố lịch sử, văn học, văn hóa dân tộc thiểu số và sân khấu truyền thống. Sự đa dạng trong khai thác này đã mang đến một làn gió mới cho nền âm nhạc.

Việc làm mới âm nhạc truyền thống là một xu hướng tất yếu và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu một sản phẩm âm nhạc đánh trúng gu của Gen Z, nó sẽ được đón nhận, trở thành xu hướng, rồi trào lưu, và cuối cùng định hình phong cách âm nhạc của thế hệ, giống như cách âm nhạc dân gian, tân nhạc hay âm nhạc kháng chiến đã từng định hình các giai đoạn trước đây. Đó là một quá trình vận động tự nhiên”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nói.

Bùng nổ live concert hoành tráng

Năm 2025 hứa hẹn sẽ chứng kiến sự bùng nổ của thị trường live concert tại Việt Nam. Tiếp nối thành công của năm 2024 với hàng loạt liveshow thu hút hàng chục nghìn khán giả, các nghệ sĩ tiếp tục đầu tư mạnh vào chất lượng âm nhạc và trải nghiệm biểu diễn.

Việc tổ chức thành công các concert sau các chương trình truyền hình thực tế đang mở ra một hướng đi đầy tiềm năng, mang lại lợi ích cho cả nghệ sĩ, nhà sản xuất và khán giả. Điều này cho thấy khán giả Việt ngày càng quan tâm và sẵn sàng chi trả để thưởng thức âm nhạc chất lượng do nghệ sĩ trong nước tạo ra.

4 đêm diễn concert "Anh trai say hi" bùng nổ, thu hút hàng trăm nghìn khán giả tham dự.

Đây không chỉ là sự thay đổi trong thị hiếu mà còn phản ánh sự trưởng thành của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Gameshow trở thành bệ phóng lý tưởng cho các dự án âm nhạc và concert sau này, tạo ra một hệ sinh thái âm nhạc đa dạng và sôi động.

Bên cạnh đó, xu hướng đưa các chương trình âm nhạc cá nhân ra các sân khấu lớn quốc tế, tiên phong bởi Hà Anh Tuấn với Live concert Sketch a Rose, mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho các nghệ sĩ Việt, khẳng định vị thế của nhạc Việt trên bản đồ âm nhạc thế giới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thành công của các concert đến từ sự nâng cao về chất lượng âm nhạc, sự đầu tư công phu vào khâu sản xuất và biểu diễn, cùng với sự đổi mới trong cách thức tổ chức, áp dụng công nghệ tiên tiến và phong cách chuyên nghiệp. Vai trò của mạng xã hội trong việc quảng bá và kết nối với người hâm mộ cũng là một yếu tố quan trọng.

Hà Anh Tuấn đánh dấu màn hợp tác đặc biệt với huyền thoại dương cầm thế giới Yiruma trong "Sketch a rose".

Bên cạnh những điểm sáng, nhạc Việt 2025 cũng cần chú trọng một số vấn đề. Theo chuyên gia Nguyễn Quang Long, mặc dù chất lượng âm nhạc đã được nâng cao, nhưng vẫn tồn tại sự tương đồng giữa các ca khúc, chủ yếu sử dụng nhạc điện tử hoặc kết hợp với rap. Sự đa dạng trong thể loại và phong cách âm nhạc cần được khuyến khích hơn nữa. Bên cạnh đó, việc kiểm soát nội dung và tránh những sản phẩm phản cảm cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

2025 hứa hẹn một năm đầy tiềm năng và sôi động của nhạc Việt. Hiệu ứng từ các chương trình Anh trai đã tạo đà cho sự phát triển của âm nhạc truyền thống và sự bùng nổ của thị trường concert. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nhạc Việt cần tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa và giữ gìn bản sắc riêng.

Theo Lê Chi (VTCNews)

Có thể bạn quan tâm