Trước thông tin phản ánh của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan rừng ở Đà Lạt, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xử lý nghiêm.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Đặng Tuấn - TTXVN) |
Cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, khu nhà máy xử lý rác đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân; có nơi ô nhiễm môi đã và đang “phá vỡ” cảnh quan rừng ở thành phố Đà Lạt, mới đây cử tri tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có phương án, biện pháp căn cơ, đồng bộ để sớm có biện pháp khắc phục, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Sẽ xử lý dứt điểm
Theo phản ánh của cử tri tỉnh Lâm Đồng, tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cảnh quan và đất rừng khu vực khai thác mỏ đá Cam Ly tại phường 5, thành phố Đà Lạt đang gây ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ cảnh quan thành phố.
Điều đáng nói là, cử tri đã nhiều lần kiến nghị nhưng cơ quan chức năng vẫn cấp phép cho hoạt động, khai thác của các Công ty khai thác khoáng sản (theo quy định khai thác mỏ được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trước đây).
Chính vì thế, cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại tiêu chuẩn, điều kiện của tính chất quy hoạch mỏ khai thác tại khu vực này, để sớm có biện pháp khắc phục, đóng cửa nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhân dân, bảo vệ tài nguyên rừng, rừng nội thị và cảnh quan của thành phố Đà Lạt.
Trả lời kiến nghị, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Ủy ban Nhân dân các cấp và thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản.
Cụ thể, Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010 nêu rõ: “Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố...”
Như vậy, theo phản ánh của cử tri thì khu vực khai thác mỏ đá tại mỏ đá Cam Ly, phường 5, thành phố Đà Lạt thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, khu vực này Sở đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm đối với các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá; đề xuất các giải pháp xử lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác đá của các doanh nghiệp.
“Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng kiểm tra khu vực này. Như vậy, có thể khẳng định địa phương và cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực sự vào cuộc và kiên quyết xử lý các vấn đề cử tri kiến nghị,” văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Ô nhiễm môi trường do rác thải ở thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN) |
Ngoài ra, để xử lý triệt để vấn đề cử tri kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định sẽ tiếp tục đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan chuyên môn của tỉnh căn cứ tình hình thực tiễn và các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật liên quan để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định.
Chú trọng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến
Trong diễn biến liên quan, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng về phương án giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, khu nhà máy xử lý rác ở các địa phương, phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tình trạng chất thải rắn phát sinh có xu hướng gia tăng đã và đang gây áp lực đến môi trường.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng các tiêu chí về công nghệ, kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như kỳ vọng của người dân.
Trước thực tế nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và quy định quản lý hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường như quy định nội dung về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định nội dung về quy trình đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Ngoài ra, Bộ này cũng đã xây dựng trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trong đó có các quy định đồng bộ, giải pháp căn cơ từ thu gom, phân loại, quản lý chất thải; công nghệ xử lý thân thiện môi trường; kết hợp với thu hồi năng lượng, sản xuất nguyên liệu, nhiên liệu cho ngành sản xuất khác cùng với các cơ chế khuyến khích, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ phù hợp.
Nhờ đó, nhiều địa phương đã có mô hình xử lý hiệu quả như Nghệ An, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Cần Thơ,… “Điển hình tại Đồng Nai, tỷ lệ rác thải chôn lấp còn 43%,” văn bản của Bộ tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến (hạn chế chôn lấp); phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với từng địa phương.
Hùng Võ (Vietnam+)