Báo xuân

Xuân trên dòng Pô Cô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù rất nhiều lần lên biên giới, song mỗi khi Xuân về, những chuyến công tác đến với người lính Biên phòng luôn cho tôi một cảm giác rất lạ… Họ, những người lính mộc mạc, dung dị, không ngại khó và luôn nhận về riêng mình những hy sinh lớn lao để biên cương Tổ quốc bình yên. Và khi mọi người đang rộn ràng du Xuân thì ở miền biên viễn này, những người lính Biên phòng Pô Cô (huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn chắc tay súng, vững vàng tuần tra trên sông.

Tết của lính Biên phòng thường đến sớm hơn so với thường lệ. Vào một ngày giáp Tết, chia tay những nhộn nhịp của phố xá, chúng tôi theo chân tổ tuần tra của các chiến sĩ Biên phòng trên dòng sông Pô Cô hiền hòa, thơ mộng. Dòng sông này vốn gắn liền với tên tuổi của người lái đò A Sanh một thủa và tên đơn vị cũng bắt nguồn từ tên dòng sông. Pô Cô có lẽ cũng là đồn duy nhất trong 8 Đồn Biên phòng của tỉnh chỉ có đường biên giới trên sông với 5,5 km và thường ngày có hàng trăm người dân hai nước Việt Nam-Campuchia qua lại, trao đổi hàng hóa...

 

Ảnh: Phương Dung

Bóng chiều chạng vạng, chiếc thuyền lặng lẽ rẽ sóng nước ra sông và thỉnh thoảng một vài cơn gió xuân vô tình lướt nhẹ! Giữa mênh mông đất trời, mây nước, núi non điệp trùng, cuộc sống như lắng đọng. Những người lính cũng tạm quên đi những ồn ã nơi phố thị để dồn hết trí lực giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc. Tổ tuần tra gồm 6 cán bộ, chiến sĩ, mỗi người một nhiệm vụ, song tất cả đều tập trung vào tuyến biên giới trên sông.

Đang ngơ ngẩn trước cảnh non nước, trời mây, tôi bất chợt bị “đánh thức” bởi chiếc thuyền đột ngột dừng lại, thì ra, thuyền của tổ tuần tra đã đến tới cột mốc 25 (3) và chạm đường biên giới trên sông. Và tôi chợt nhận ra rằng, tuần tra trên sông rất thú vị song lại khó khăn và khắc nghiệt hơn nhiều so với tuần tra bộ nhất là vào mùa mưa lũ. Vì lúc đó, dòng Pô Cô trở nên hung hãn, sẵn sàng hất tung và nhấn chìm mọi thứ vào dòng nước xoáy.

Hơn thế, đường biên giới do đồn quản lý vốn nằm giữa dòng Pô Cô nên công tác tuần tra, kiểm soát của người lính “quân hàm xanh” càng thêm phần thận trọng. Thiếu tá Hoàng Văn Hợp, trải lòng: “Trong suốt quá trình tuần tra, chiến sĩ phải quan sát và có tầm nhìn để đảm bảo những yếu tố hiệp thương giữa hai quốc gia, đồng thời đảm bảo không vi phạm tuyến biên giới trên sông”.

 

Trên đường tuần tra. Ảnh: Phương Dung

Cũng theo Thiếu tá Hợp, lợi dụng những ngày lễ, ngày Tết, mùa mưa lũ, tội phạm buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép thường tăng cường hoạt động. Do đó, những ngày này, đơn vị thường xuyên tăng cường các đợt tuần tra, kiểm soát đồng thời đổi mới phương thức cũng như quy luật tuần tra để không xảy ra những tình huống bị động, bất ngờ. Thiếu úy Nguyễn Đức Anh, tâm tình: “Mùa này, đứng giữa dòng Pô Cô phóng tầm nhìn ra xung quanh mới cảm nhận được mùa Xuân đến rất gần”.

Thật vậy, chiều trên dòng Pô Cô thật đẹp! Những tia nắng cuối ngày phản chiếu trên dòng sông lấp lánh ánh bạc cùng với hơi lạnh của gió, của sông, hình ảnh ấy, cảm giác ấy cứ mãi níu giữ bước chân người lữ khách là tôi. Tạm chia tay với dòng Pô Cô hiền hòa, chúng tôi ghé thăm Trạm Kiểm soát phà 6-cách dòng Pô Cô không xa, nơi đây các chiến sĩ có nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới do đồn phụ trách, bảo vệ khu vực thủy điện Sê San 4A, cột mốc 25 (3) và kiểm soát người dân qua lại khu vực vành đai biên giới.

Trong căn nhà nhỏ nằm đơn độc giữa núi rừng, nhánh mai rừng đang chớm nở như làm sáng bừng buổi chiều biên cương. Và trong căn nhà đơn sơ ấy, ngoài nhánh mai rừng cùng những vật dụng cá nhân của chiến sĩ, trên bàn cũng đã có những đĩa bánh mứt tươm tất cho ngày Tết cổ truyền dân tộc. Tiếp chúng tôi là Thiếu úy Ksor Hội-người mới được tăng cường lên trạm kiểm soát chưa lâu. Nhà Hội cách đơn vị không xa-30 km nhưng chẳng mấy khi có dịp về thăm nhà, nhất là ngày Tết.

Hội chia sẻ: “Những ngày này ở trạm kiểm soát khá vắng vẻ và cũng không khác ngày thường là mấy, cũng chỉ có lán bạt, rừng cây, tiếng chim và sự cảnh giác cao độ…”. Nói chuyện với Hội, tôi cảm nhận được dường như, ở người lính Biên phòng luôn có sự hy sinh! Dù với họ, nỗi nhớ vợ, nhớ người yêu… cũng da diết, cũng cồn cào, nhưng tất cả đều hẹn lại cho những ngày sau Tết nếu có thể. Còn những người vợ, người yêu của lính dường như cũng quen với sự hy sinh, chờ đợi nên đã hiểu, cảm thông, chia sẻ và động viên cho “nửa kia” của mình hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Rời Trạm kiểm soát phà 6 khi đồng hồ đã điểm 20 giờ. Trở lại đồn biên phòng, chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự đón tiếp nồng hậu của vị “chủ nhà” nhí-Siu Hly, cô con gái nuôi đã được các chiến sĩ biên phòng của đồn cứu sống khi cùng một nhóm người dân làng Kúk (xã Ia O) đang có ý định vượt biên sang Campuchia cách đây 5 năm. Cô bé Hly sau đó được các chiến sĩ Biên phòng nhận làm con nuôi.

Song để tiện việc học tập, sinh hoạt, đơn vị gửi em ở nhà người thân dưới làng Kúk. “Mỗi ngày, đơn vị đều cử cán bộ xuống thăm hỏi, hướng dẫn em học tập và hàng tháng cán bộ, chiến sĩ đóng góp tiền gửi gia đình mua gạo, sách vở, bút mực… cho em. Dự kiến, sang năm học mới, đơn vị sẽ mua tặng em chiếc xe đạp để tiện việc đến trường”-Thiếu tá Võ Văn Mại-Đồn trưởng đồn Biên phòng Pô Cô, cho biết. Sự có mặt của Hly đã khiến cho ngày Xuân đơn vị thêm phần ấm áp, các anh cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà, riêng Hly cũng cảm nhận được hơi ấm của một đại gia đình...

Trong niềm vui xuân mới, Thiếu úy Kpă Lin-người duy nhất hiện nay đang làm rể tại địa bàn đơn vị đóng quân-còn có thêm niềm vui mới, niềm vui được đón cậu con trai đầu lòng mới chào đời. Và niềm vui ấy dường như đã khiến ông bố trẻ cứ lâng lâng hạnh phúc. Lin vui vẻ: “Có con rồi mình phải sống chỉn chu và suy nghĩ chín chắn hơn để làm gương cho con học tập”.

Màn đêm buông xuống, gió lùa từng cơn, đêm biên giới se sắt lạnh! Những ngôi nhà sàn chìm vào giấc ngủ, bất giác tôi nghe đâu đó vang lên những câu hát “…Cho tôi bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương…”. Dẫu biết rằng, với các anh, đón Tết ở quê nhà hay ở quê hương thứ hai này vẫn rất đầy đủ, ấm cúng, nhưng chúng tôi biết, Tết với người lính vẫn chưa thật trọn vẹn…

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm