Vụ cà phê 2010-2011 được nhận định là có nhiều dấu hiệu khả quan hơn khi giá liên tục tăng từ đầu năm 2011 đến nay. Tuy nhiên sản lượng, chất lượng sản phẩm và tình hình tài chính của các doanh nghiệp cà phê vẫn là những yếu tố đáng lo ngại cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Ảnh: K.N.B |
Để tháo gỡ khó khăn trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 13-4-2010, về việc hỗ trợ mua tạm trữ khoảng 200 ngàn tấn cà phê, nhằm góp phần khắc phục khó khăn trong tiêu thụ, ngăn chặn tình trạng giá cà phê trong nước xuống quá thấp. Mặc dù kết thúc thời điểm thu mua tạm trữ của 12 doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 55 ngàn tấn, nhưng chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê của Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần ngăn chặn tình trạng tụt dốc và cải thiện thị trường cà phê thế giới và trong nước. Theo đó, từ trung tuần tháng 6 đến cuối năm 2010, giá cà phê liên tục tăng và nhu cầu thực tế vẫn ở mức cao. Giá cà phê Robusta đạt đỉnh của năm 2010 vào ngày 30-12 là 2.152 USD/tấn-cao nhất trong vòng 2 năm trước đó. Kết thúc năm 2010, giá cà phê Robusta thế giới ở mức bình quân 2.097 USD/tấn.
Ảnh: K.N.B |
Bước sang 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2010-2011 (tháng 10-2010 đến tháng 2-2011), khối lượng cà phê chế biến, xuất khẩu của cả nước đạt gần 600 ngàn tấn (ước 6 tháng là 800 ngàn tấn), tăng hơn 20% so với cùng kỳ niên vụ 2009-2010. Giá xuất khẩu bình quân đạt 1.889 USD/tấn, tăng hơn 33% so với cùng kỳ niên vụ trước, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,13 tỷ USD. Đây là kết quả khả quan cho niên vụ cà phê 2010-2011. Kết quả này vẫn còn tiếp tục duy trì khi mà, dự báo từ nay đến cuối vụ, giá cà phê vẫn ở mức cao (trên 2.000 USD/tấn). Theo đó, ngành cà phê Việt Nam phấn đấu vụ cà phê 2010-2011 đạt sản lượng 1,1 đến 1,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, giữ thị phần thương mại khoảng 13% đến 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.
Nhiều chuyên gia về ngành cà phê của Việt Nam cho biết: Mặc dù xuất khẩu cà phê của ta đứng thứ 2 trên thế giới (sau Brazil) nhưng công tác tiếp thị, quảng bá của ta vẫn còn kém. Cụ thể ở những quốc gia mà cà phê Việt Nam chiếm thị phần lớn như Mỹ, Bỉ, Đức…, tại các nước này, hầu như chưa hề có một văn phòng đại diện hoặc một cơ quan tương tự nào để quản lý và quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam. |
Niên vụ cà phê 2010-2011 là một mùa cà phê thành công với những con số của ngành cà phê Việt Nam. Thành công đó là nhờ vào chủ trương hỗ trợ tạm trữ cà phê kịp thời và đúng đắn của Chính phủ.
Trần Đăng Lâm