Ý kiến nhỏ về một cuộc thi nhiều ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc thi “Tìm hiểu về Bác Hồ nhân kỷ niệm 100 năm Người ra đi tìm đường cứu nước” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đã trải qua 2 kỳ thi (tháng 2 và 3-2011).
Kỳ thi đầu tiên được phát động đúng vào dịp kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-2011), tức mùng Một Tết Tân Mão. Nếu kỳ thi này Ban tổ chức chỉ nhận được 493 bài dự thi (trong đó có 214 bài gửi qua đường thư điện tử, 275 bài gửi trực tiếp và gửi qua đường bưu điện), thì kỳ thi thứ hai có đến gần 7.000 bài dự thi (trong đó có hơn 1.000 bài gửi qua đường truyền internet và thư điện tử, số còn lại nộp trực tiếp và gửi qua đường bưu điện). Thông tin từ Ban giám khảo cho thấy, nhiều người dự thi đã thể hiện tâm huyết, có sự đầu tư công phu trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập thông tin và viết bài với tất cả tình cảm chân thật, biết ơn và kính trọng của mình đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Ảnh: Đức Thụy
Có thể khẳng định sức lan tỏa đang ngày càng rộng rãi của cuộc thi nhờ sự hỗ trợ đáng kể của công nghệ thông tin, internet, sự góp sức tuyên truyền, cỗ vũ của các cơ quan thông tin đại chúng. Nhờ vậy người dân các địa phương khác và người dân Gia Lai sinh sống, làm việc, học tập ở ngoài tỉnh có điều kiện tham gia cuộc thi.
Tuy nhiên, qua kỳ thi vừa rồi, không ít người tỏ ra lo lắng cho Ban giám khảo cuộc thi. Đó là điều kiện thời gian chấm bài hạn chế (khoảng chưa đầy 1 tuần cuối mỗi tháng), việc chấm bài cũng chỉ là việc kiêm nhiệm, trong khi có đến nhiều ngàn bài dự thi. Nếu với 4 câu hỏi (riêng nội dung trả lời cho câu hỏi tự luận mỗi bài đã xấp xỉ 1.500 từ), thì việc giám khảo đọc tất cả các bài thi e cũng đã khó, huống hồ phải công phu sàng lọc để lựa chọn những bài viết xuất sắc vào vòng chung khảo để trao giải… Tất nhiên thành viên Ban giám khảo đều công tác cùng một cơ quan chắc hẳn dễ đồng cảm và dễ thống nhất phương thức chấm thi.
Thiết tưởng, để cuộc thi tiếp tục phát huy toàn diện hơn ý nghĩa và tầm vóc của nó, dưới góc độ quan sát và suy ngẫm của một bạn đọc báo Gia Lai, tôi xin mạnh dạn góp mấy ý nhỏ với Ban tổ chức và Ban giám khảo.
Một là, Ban tổ chức cuộc thi cần nghiên cứu lại cách ra đề sao cho nội dung của chủ đề đừng quá rộng, nhằm tập trung tư tưởng người dự thi, giúp họ khỏi phải mất công đoán già, đoán non ý của người ra đề và đáp án. Chẳng hạn nội dung câu hỏi tự luận kỳ 2 đề cập đến tư tưởng và giá trị đạo đức rộng lớn của Bác Hồ về đại đoàn kết và xây dựng khối đại đoàn kết, từ giá trị nhân nghĩa, ứng xử giữa người với người, đến vấn đề cộng đồng, xã hội, tổ chức, giai cấp, dân tộc, quốc gia và quốc tế… Thật khó có thể lựa chọn phương án khả dĩ để khái quát, gói gọn và diễn tả đầy đủ trong phạm vi, dung lượng mà Ban tổ chức cuộc thi yêu cầu.
Hai là, Ban tổ chức, Ban giám khảo nên cho phép đăng tải phần tự luận một số bài thi đạt giải tiêu biểu trong cơ cấu giải mỗi kỳ thi trên các trang thông tin, báo Gia Lai điện tử để đông đảo bạn đọc tham khảo những bài thi giàu giá trị tư duy và biểu cảm, từ đó tạo thêm sức lan tỏa của cuộc thi, góp phần tuyên truyền làm nổi bật hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tấm gương đạo đức sáng ngời, tất cả vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Ba là, kết thúc mỗi kỳ thi, Ban tổ chức, Ban giám khảo nên trao hết giá trị cơ cấu giải mỗi kỳ thi để động viên tinh thần các thí sinh. Một khi không thể chọn được bài “đủ tầm” để trao giải nhất thì nên chọn lựa thêm một số bài viết tiêu biểu tiếp theo để trao thêm các giải nhì, ba…
Nhiều người có cùng cảm nhận rằng cuộc thi này là một đợt sinh hoạt chính trị để họ tìm hiểu về Bác, học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức vĩ đại của Bác, chứ không cầu có vinh dự được trao giải khi viết về Người- Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta. Mong rằng Ban tổ chức, Ban giám khảo sẽ quan tâm và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần của đông đảo thí sinh dự thi, bạn đọc xa gần của Báo Gia Lai và các trang tin điện tử địa phương.
Lê Dân