Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, 10 hãng sản xuất chip lớn nhất trên toàn cầu đã công bố doanh thu đạt kỷ lục trong quý 1/2021 với tổng doanh thu đạt 22,75 tỷ USD.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty) |
Trong khi ngành công nghiệp ôtô tiếp tục bị tác động do tình trạng thiếu chip bán dẫn, các nhà sản xuất đang chứng kiến doanh thu tăng mạnh từ các sản phẩm chip khác nhờ sự gia tăng nhu cầu cho các thiết bị công nghệ.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce, 10 hãng sản xuất chip lớn nhất trên toàn cầu đã công bố doanh thu đạt kỷ lục trong quý 1/2021. Các nhà sản xuất này có tổng doanh thu đạt 22,75 tỷ USD.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu đang phải tạm đóng cửa các nhà máy, giảm số dây chuyền sản xuất, hoãn giao hàng do thiếu chip mà các nhà sản xuất trên cung cấp.
Tình trạng thiếu chip được dự báo sẽ khiến ngành công nghiệp ôtô thiệt hại đáng kể.
GM dự kiến việc đóng cửa nhà máy do do thiếu chip sẽ giảm chi phí hoạt động 1,5-2 tỷ USD trong năm 2021.
Ford cũng ước tính lợi nhuận giảm khoảng 2,5 tỷ USD trong năm nay.
Sự gián đoạn liên quan đến chip của ngành công nghiệp ôtô diễn ra khi đại dịch bùng phát và buộc lĩnh vực này phải dừng các hoạt động không thiết yếu.
Trong khi sản xuất ôtô bị đình trệ, các nhà sản xuất chip đã chuyển hướng sang cung cấp chip cho các thiết bị công nghệ khi nhu cầu máy tính và thiết bị điện tử tăng do xu hướng làm việc từ xa.
Một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất là TSMC có doanh thu đạt 12,9 tỷ USD trong quý 1/2021, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu của United Microelectronics Corporations tăng 5%, lên 1,6 tỷ USD, còn của SMIC tăng 15%, lên 1,1 tỷ USD.
TrendForce dự báo doanh thu của 10 hãng nói trên sẽ tăng 1-3% trong quý 2/2021.
Các chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023.
Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)